
Chuyển hóa khổ đau
Có khi chúng ta dành dụm được một số tiền, định dùng để xây nhà thì lại mất sạch. Hoặc có khi chúng ta làm ăn thất bại, thua lỗ, được đồng nào thì tai nạn, ốm đau,… rồi cũng chi tiêu hết. Hoặc như một vài người mà tôi biết, kể từ khi tu tập thì gặp phải nhiều chướng duyên hơn cả khi chưa biết tu, từ đó đâm ra nghi ngờ nhân quả: “Tại sao mình biết đi chùa tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ mà lại gặp toàn tai nạn, chướng duyên? Tại sao trời, Phật không thương xót, lại bắt mình chịu nhiều bệnh tật, khổ đau như vậy?”.
Thật ra, mọi việc xảy đến đều phải có nguyên nhân. Chúng ta hãy đặt lại vấn đề: “Tại sao đều là người tu tập mà có người thì thường gặp chuyện tốt, có người lại gặp nhiều chuyện xấu?”. Đó chẳng qua cũng là do nhân quả.
Nếu trong quá khứ, một người đã từng giết hại chúng sinh nhiều thì trong tương lai không thể tránh khỏi quả báo bị bệnh tật, thậm chí, nếu chưa hết nghiệp thì không những phải trả trong một đời mà còn phải tiếp tục trả trong nhiều đời về sau. Cũng vậy, nếu trong đời trước, một người đã từng lừa gạt tài sản của người khác, làm cho họ đau khổ, thì không thể tránh khỏi quả báo bị mất tiền của, dù có làm việc chăm chỉ, dành dụm bao nhiêu cũng dễ dàng bị tiêu tán. Nhưng nếu người ấy tu tập tốt, có thể nghiệp quả sẽ đến sớm để người đó trả nhanh hơn. Bởi vậy, có nhiều người tu thường gặp những chuyện không như ý.
Khi rơi vào hoàn cảnh khổ đau, chúng ta cần hiểu rằng những việc đó xảy đến đều là do nhân quả nghiệp báo từ quá khứ, vì vậy chúng ta không nên đau khổ, thậm chí có thể vui mừng. Vui mừng vì chúng ta có cơ hội trả bớt nghiệp ngay trong đời này, còn hơn là phải kéo dài sự khổ đau đó trong nhiều đời nhiều kiếp. Khi quán nghiệp báo như vậy, tự nhiên chúng ta sẽ không đổ lỗi cho trời Phật hay bất kỳ ai khác, mà chấp nhận trả hết nghiệp quả, từ đó dần dần chuyển hóa được khổ đau và cảm nhận được sự an vui trong tâm hồn.
Đó chính là phương pháp quán nghiệp báo.