Chó rừng và Sư tử
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trải qua vô lượng vô số kiếp tu hành viên mãn mười Ba la mật. Đến kiếp cuối cùng, Ngài sinh ra tại Ấn Độ trong dòng dõi vua chúa, có ba mươi hai tướng đại nhân, trí tuệ siêu việt. Ngài xuất gia tu hành trải qua sáu năm với bao nhiêu khó khăn, thử thách, gian khổ cuối cùng đã thành tựu đạo quả. Sau khi thành Phật, Ngài bắt đầu chuyển pháp luân, trước là độ cho năm người bạn đồng tu Kiều Trần Như (Koṇḍañña) xuất gia; rồi đến Da Xá (Yasa) và năm mươi bốn người bạn của Da Xá; ba mươi chàng công tử; ba anh em đạo sĩ bện tóc là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvelakassapa), Nan Đà Ca Diếp (Nadīkassapa) và Già Da Ca Diếp (Gayākassapa) cùng với một nghìn đệ tử của họ; Xá Lợi Phất (Sāriputta) và Mục Kiền Liên (Moggallāna) cùng với hai trăm năm mươi bạn đồng tu; ngoài ra còn có rất nhiều Phật tử tại gia như vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra), Ba Tư Nặc (Pasenadi), trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika), Tỳ Xá Khư (Visākhā),... Sự xuất hiện của đức Phật như ánh sáng mặt trời che khuất tất cả ánh sáng, bước chân hoằng pháp của Ngài đi tới đâu đem ánh sáng chân lý đến cho mọi người và họ quy hướng về Ngài rất nhiều. Do vậy, ngoại đạo vì mất tín đồ, lợi dưỡng, uy tín nên đã trở thành những kẻ ganh ghét, thù hận đức Phật. Họ tìm mọi cách để phá hoại, làm mất uy tín đức Phật và Tăng đoàn.
“Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn rất được trọng vọng, kính nể. Các tỳ kheo của Thế Tôn thường nhận được phẩm vật cúng dường và sự tôn kính như nước của năm con sông đổ vào biển lớn; những người ngoại đạo thấy rằng phẩm vật cúng dường và vinh danh của họ không còn được như trước nữa, mà trở thành lờ mờ như bầy đom đóm lúc bình minh; họ liền họp nhau lại và bàn:
– Từ khi Sa môn Cồ Đàm (Gotama) xuất hiện, lợi lộc và vinh danh của chúng ta đã rời bỏ chúng ta. Chẳng ma nào biết rằng chúng ta đang có mặt trên đời. Ai có thể giúp ta đem lại tiếng xấu cho Sa môn Cồ Đàm và làm cho ông ta không còn nhận được mọi lợi dưỡng này?
Thế rồi họ bỗng nghĩ: “Tôn Đà Lỵ (Sundari) có thể giúp ta việc ấy”.
Một hôm, Tôn Đà Lỵ đến thăm rừng cây của người ngoại đạo, họ chào cô ta mà chẳng nói gì cả. Cô ta cứ hỏi đi, hỏi lại mãi mà vẫn không được ai trả lời. Cô liền hỏi:
– Có việc gì mà các thánh phụ lại phiền não thế?
Các người ngoại đạo đáp:
– Này chị, há chị chẳng thấy Sa môn Cồ Đàm đã làm chúng ta phiền não, đã tước đi của chúng ta những phẩm vật bố thí và vinh danh như thế nào ư?
Cô ta hỏi:
– Thế thì tôi có thể làm gì đây nào?
– Này chị, chị xinh đẹp lại đáng yêu. Chị có thể làm ô nhục cho Cồ Đàm, lời nói của chị sẽ gây ảnh hưởng đến quần chúng, và như vậy có thể phục hồi cho chúng ta những phẩm vật cúng dường và danh thơm như trước.
Cô ta nhận lời và từ giã ra đi. Sau đó, cô thường mang hoa, dầu thơm, hương liệu, long não, đồ gia vị và trái cây, cứ vào mỗi buổi chiều đám đông trở vào thành sau khi nghe bậc Ðạo sư thuyết pháp thì cô quay mặt về phía Kỳ Viên (Jetavana). Hễ ai hỏi cô sắp đi đâu thì cô bảo:
– Tôi sắp đến với Sa môn Cồ Đàm, tôi sống với ông ta trong một hương phòng.
Thế rồi cô ngủ đêm tại một xóm ngoại đạo và sáng hôm sau đi theo con đường từ Kỳ Viên vào thành phố. Hễ có ai hỏi cô đi đâu về thì cô bảo:
– Tôi đã ở với Sa môn Cồ Đàm trong một hương phòng và ông ấy đã làm tình với tôi.
Vài ngày sau, các ngoại đạo mướn vài tên vô lại giết chết Tôn Đà Lỵ rồi đem ném xác cô ta trong một đống rác. Bấy giờ các người ngoại đạo mới la ầm lên về Tôn Đà Lỵ rồi thông báo với nhà vua. Vua hỏi họ nghi ngờ chỗ nào, họ trả lời rằng cách đấy ít ngày Tôn Đà Lỵ có đến Kỳ Viên nhưng sau đó sự việc xảy ra thế nào thì họ không biết. Vua sai họ đi kiếm cô ta. Ðược lệnh, họ mang theo một số người hầu riêng của vua, và đi đến Kỳ Viên, tại đó họ kiếm quanh quẩn rồi tìm thấy Tôn Đà Lỵ trong đống rác. Họ gọi một cái cáng mang thi thể cô về thành phố và trình vua rằng các môn đệ của đức Cồ Đàm đã giết Tôn Đà Lỵ rồi ném xác vào đống rác để che giấu tội cho bậc Ðạo sư của họ.
Vua sai các ngoại đạo ấy đi khắp thành phố. Trên khắp các đường sá họ vừa đi vừa la lớn:
– Hãy đến đây mà xem việc làm của các tỳ kheo môn đệ của Thái tử Thích Ca. Thế rồi họ trở lại cổng cung điện. Vua cho đặt thi thể Tôn Đà Lỵ trên tấm bệ rồi đưa vào nghĩa địa canh giữ. Tất cả mọi người trừ các tỳ kheo đều đi khắp trong, ngoại thành, khắp các công viên, khắp rừng cây, nhục mạ các tỳ kheo và kêu lên:
– Xin tới mà xem việc làm của các môn đệ của Thái tử Thích Ca.
Các tỳ kheo kể hết đầu đuôi cho đức Phật, bậc Ðạo sư dạy rằng:
– Ðược rồi. Hãy đi và nói với những người này như sau:
Vào địa ngục người ưa nói dối,
Cùng người nào chối việc mình làm
Cả hai, thần chết đã mang
Như người ác hạnh vẫn thường tái sinh.
Nhà vua sai vài người đi tìm xem Tôn Đà Lỵ đã bị kẻ nào giết. Bấy giờ, bọn vô lại đang uống rượu bằng thứ tiền vấy máu và gây gổ nhau. Một tên trong bọn nói:
– Mày đã giết Tôn Đà Lỵ bằng một cú đập rồi ném xác cô ấy vào trong đống rác, thế rồi giờ đây mày mua rượu bằng số tiền vấy máu ấy!
– Ðúng đây rồi, đúng đây rồi!
Những người được vua sai đi nghe nói thế liền bắt bọn vô lại kia đem đến trình vua.
Vua hỏi:
– Có phải các ngươi đã giết Tôn Đà Lỵ không?
Chúng thú nhận đã làm như thế.
– Ai sai các ngươi?
– Tâu Ðại vương, các người ngoại đạo.
Vua gọi các người ngoại đạo đến và phán:
– Hãy đỡ thi thể Tôn Đà Lỵ lên rồi mang nàng đi khắp thành phố, vừa đi vừa kêu lớn:
– Cô Tôn Đà Lỵ này muốn làm nhục Sa môn Cồ Đàm, chúng tôi đã bảo giết cô ta; đức Cồ Đàm cũng như các môn đệ của Ngài không hề có tội lỗi gì; chính chúng tôi mới là có tội!”[1]
Chúng ta có mặt trên cuộc đời này là do cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Người Tăng sĩ có mặt là nhờ vị thầy tế độ thế phát xuất gia, đây là sự thật mà không ai có thể chối cãi được. Như câu:
Không cha sao có thân này,
Không thầy sao được như ngày hôm nay.
Thế nhưng có những người con vì tham sân si hay một lý do nào đó muốn phủ nhận tất cả công lao của cha mẹ, thậm chí còn có thể giết cả cha mẹ. Có những người đệ tử vì danh lợi hoặc bất mãn điều gì đó không nhìn mặt thầy mình, thậm chí còn có thể đoạn mạng người đã cho mình giới thân tuệ mạng. Việc này ngoài xã hội đã có, không những thế cả nơi đoàn thể đạo đức cũng xảy ra. Cụ thể, thời đức Phật có Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), ông vừa là thân thuộc với đức Phật, vừa là đệ tử xuất gia của Ngài, tình cảm thiêng liêng cao quý như thế, vậy mà chỉ vì lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối làm mất thiện pháp, ông phủ nhận tất cả công lao của đức Phật đối với mình, còn dã tâm tìm cách giết đức Phật.
Đề Bà Đạt Đa là con của vua Thiện Giác (Suppabuddha) và hoàng hậu Cam Lộ (Pamīta), một người cô của đức Phật. Công chúa Da Du Đà La (Yasodharā) là chị của Đề Bà Đạt Đa. Như vậy, ông vừa là anh em cô cậu, vừa là em vợ của Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha). Đề Bà Đạt Đa xuất gia theo Phật cùng một lượt với Baddhiya, Anurudha, Bhagu, Kimbila, Ānanda và Upāli. Lúc đầu, ông là người tu hành tinh tấn và gương mẫu, về sau vì lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối và xâm chiếm, nên mất hết thiện pháp, trở thành kẻ thù hận đức Phật và phá hoại Tăng chúng. Ông thân cận với A Xà Thế (Ajātasattu) để âm mưu giết Phật.
– “Bạch Thế Tôn, nay Ngài đã tàn tạ, già cả, lớn tuổi, đã sống thọ, đã đạt đến cuối cuộc đời. Bạch Thế Tôn, giờ đây xin Thế Tôn hãy sống gắn bó vào sự lạc trú trong hiện tại, còn hội chúng tỳ kheo hãy bàn giao cho tôi, tôi sẽ cai quản hội chúng tỳ kheo.
– Này Đề Bà Đạt Đa, thôi đi. Người chớ có mong để được cai quản hội chúng tỳ kheo...
Sau đó Đề Bà Đạt Đa đã đi đến gặp hoàng tử A Xà Thế, sau khi đến đã nói với hoàng tử A Xà Thế điều này: Tâu hoàng tử, trước đây loài người sống thọ, bây giờ yểu thọ. Điều thực tế cần được biết là ngài có thể chết đi trong lúc ngài còn hoàng tử; tâu hoàng tử, chính vì điều ấy, ngài hãy giết cha và lên làm vua. Ta sẽ giết đức Thế Tôn và trở thành đức Phật”.[2]
“Ngay sau khi Đề Bà Đạt Đa đã lập mưu sát hại vua Tần Bà Sa La, ông liền đi tìm vua A Xà Thế và nói:
– Tâu Đại vương, ý nguyện của ngài đã thành, nhưng ý nguyện của ta chưa thành.
Vua trả lời:
– Ngài muốn gì?
– Ta muốn cho người giết đấng Thập Lực và ta làm đức Phật.
– Vậy thì ta phải làm sao đây?
– Ta phải tập họp một số thiện xạ tại đây.
Vua chấp thuận, truyền triệu tập năm trăm thiện xạ có thể bắn cung nhanh như chớp, trong số đó chỉ lựa ra ba mươi mốt người, đưa họ đến hầu cận Đề Bà Đạt Đa và bảo họ phải tuân lệnh ông.
Ông gọi người trưởng đoàn ra dặn:
– Này Hiền hữu, Sa môn Cồ Đàm đang sống trên núi Linh Thứu (Gijjhakūta), hằng ngày Ngài thường kinh hành trong tịnh thất của Ngài vào một thời điểm nào đó; vậy bạn hãy đến đó bắn Ngài với tên tẩm thuốc độc, khi đã giết hại Ngài xong, hãy trở về đường này.
Rồi ông lại cho hai người thiện xạ đi theo con đường kia, bảo họ:
– Các vị sẽ gặp một người trên đường đi, vậy hãy giết nó và hãy trở về bằng đường này.
Ông lại cho bốn người thiện xạ đi đường kia với lời dặn dò như vậy. Sau đó, ông lại dặn thêm tám người, rồi mười sáu người thiện xạ như trên. Tại sao ông làm như vậy? Chính là để che giấu lòng thâm độc của mình.
Thế rồi người trưởng đoàn thiện xạ buộc kiếm bên sườn trái, bao đựng tên bên lưng, cầm lấy chiếc cung làm bằng sừng dê và đi đến chỗ đức Như Lai trú ngụ; nhưng sau khi gã giương cung lên và nhắm mũi tên để bắn Ngài, gã lại không thể thả dây cung được. Toàn thân gã cứng đờ, như thể bị đè bẹp. Gã cứ đứng đó kinh hoàng với nỗi sợ chết.
Khi bậc Đạo sư thấy gã, Ngài liền nói với giọng dịu dàng:
– Đừng sợ, hãy đến đây.
Gã lập tức ném vũ khí và vừa nói vừa sụp người xuống đảnh lễ chân Thế Tôn. Lần lượt những tay thiện xạ sau này cũng tương tự như vậy, họ không giết được Phật, cuối cùng lại được Phật giáo hóa quy y Tam bảo”.[3]
“Khi những người thiện xạ được mua chuộc để sát hại đức Như Lai và người đầu tiên được Đề Bà Đạt Đa phái đi làm việc này đã trở về, y nói:
– Bạch Tôn giả, con không thể đoạt mạng sống của đức Thế Tôn, vì Ngài có đủ đại thần thông lực.
Đề Bà Đạt Đa đáp:
– Thôi được, ông không cần phải sát hại Sa môn Cồ Đàm. Ta sẽ đích thân đoạt mạng sống của vị ấy.
Thế rồi trong khi đức Như Lai đang đi dạo dưới bóng mát ngả về tây của núi Linh Thứu, Đề Bà Đạt Đa trèo lên đỉnh núi và đẩy xuống một tảng đá lớn như thể từ chiếc máy lăn đá bắn ra và tự nhủ: “Với tảng đá này, ta sẽ giết Sa môn Cồ Đàm”. Song hai đỉnh núi giao nhau chặn lấy tảng đá và một mảnh vụn văng ra đụng vào chân của đức Thế Tôn làm chảy máu, và gây đau nhức dữ dội.Y sĩ Kỳ Bà (Jīvaka) lấy dao cắt rộng miệng vết thương ở chân đức Như Lai, để máu độc chảy ra và cắt bỏ chỗ thịt sưng rồi xoa thuốc vào vết thương cho lành. Bậc Đạo sư đi lại như trước, với các vị đại đệ tử hầu cận quanh Ngài, trong mọi dáng điệu uy nghi của một vị Phật. Vì thế, khi thấy Ngài, Đề Bà Đạt Đa nghĩ thầm: “Quả thật, không có một kẻ phàm phu nào chiêm ngưỡng dung sắc tối thắng của kim thân Sa môn Cồ Đàm lại dám tới gần vị ấy, ngoại trừ vương tượng Na La Kỳ Lê (Nālāgiri) là một mãnh thú hung dữ chẳng biết gì về các công đức của Phật, Pháp, Tăng. Nó sẽ tiêu diệt Sa môn này”.
Thế là ông liền đi kể chuyện này với vua. Vua sẵn sàng đồng ý với đề nghị này và triệu người quản tượng vào bảo:
– Này khanh, ngày mai khanh phải làm cho Na La Kỳ Lê say rượu đến độ điên cuồng, và lúc tảng sáng thả nó ra đường phố mà Sa môn Cồ Đàm đi qua.
Đề Bà Đạt Đa hỏi người quản tượng ngày thường voi này uống bao nhiêu rượu men và khi y đáp: “Tám vò”, ông bảo:
– Ngày mai hãy cho nó uống mười sáu vò rồi thả nó ra về phía con đường Sa môn Cồ Đàm đi qua.
Thế nhưng hôm sau, đức Phật cũng đã điều phục được con voi say và thoát nạn”.[4]
Các tỳ kheo biết được Đề Bà Đạt Đa đang đi vào con đường sai trái, tội lỗi nên đã thương tưởng, khuyên nhủ:
– “Này Hiền hữu Đề Bà Đạt Đa, bậc Ðạo sư cứu độ Hiền hữu rất nhiều! Từ bậc Ðạo sư, Hiền hữu đã thọ đủ Tiểu giới và Ðại giới; Hiền hữu đã học Tam tạng là tiếng nói của đức Phật; Hiền hữu đã làm phát khởi thiền định trong tâm Hiền hữu; vinh quang là lợi lạc của đấng Thập Lực thuộc về Hiền hữu.
Nghe vậy, vị này liền đưa lên một cọng cỏ và nói:
– Ta không thấy một điều lợi lạc nào mà Sa môn Cồ Đàm đã tạo cho ta cả, dù chỉ bằng cọng cỏ này”.[5]
Một lần khác, các tỳ kheo cũng khuyên:
– “Này Hiền giả Đề Bà Đạt Đa, nhờ bậc Vô Thượng Chính Ðẳng Chính Giác, Hiền giả học xong ba tạng giáo điển và chứng được bốn thiền. Thật không xứng đáng nếu Hiền giả trở thành kẻ thù của bậc Sư trưởng.
Đề Bà Đạt Đa đáp:
– Này các Hiền giả, Sa môn Cồ Đàm đâu có phải là Sư trưởng của ta? Chính do tự lực của ta, ta học ba tạng giáo điển và chứng được bốn thiền. Nói vậy xong, Đề Bà Đạt Đa từ bỏ bậc Sư trưởng”.[6]
“Khi thiền chứng biến mất, lợi dưỡng và danh vọng bị tiêu tan, Đề Bà Đạt Đa đã nghĩ đến một phương tiện xin bậc Ðạo sư chấp nhận cho năm pháp. Khi bị từ chối, vị ấy liền phá hòa hợp Tăng, bỏ đi đến núi Tượng Đỉnh (Gayāsisa) với năm trăm đệ tử của hai bậc Thánh đệ tử của đức Phật. Những đệ tử này mới xuất gia không bao lâu nên không thiện xảo trong Pháp và Luật. Vị ấy làm các Tăng sự riêng biệt với hội chúng này, trong một giới xứ riêng”.[7]
“Tôn giả A Nan (Ānanda), sau khi đi khất thực ở Vương Xá (Rājagaha) và thọ thực xong, trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên và bạch:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát, vào Vương Xá để khất thực. Bạch Thế Tôn, Đề Bà Đạt Đa thấy con đi khất thực ở Vương Xá, liền đi đến con và nói: “Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả A Nan, ta sẽ làm lễ trai giới và sẽ tác thành các Tăng sự khác với Thế Tôn, khác với chúng tỳ kheo”. Hôm nay, bạch Thế Tôn, Đề Bà Đạt Đa sẽ phá hòa hợp Tăng, làm lễ trai giới và hành các Tăng sự.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
Dễ làm là việc lành,
Đối với kẻ làm lành;
Khó làm là việc ác,
Đối với kẻ làm lành.
Dễ làm là việc ác,
Đối với kẻ làm ác;
Khó làm là việc ác,
Đối với các bậc Thánh”.[8]
Một đốm lửa nhỏ nếu không dập tắt kịp thời, nó có thể cháy cả một khu rừng rộng lớn. Khi còn là đốm lửa nhỏ dập tắt rất dễ và không phải tốn công sức nhiều, nhưng lúc nó đã cháy lan ra cả một khu rừng lớn thì việc dập tắt sẽ rất khó khăn, tốn rất nhiều công sức và tiền của, thậm chí mất cả sinh mạng. Khi một ý nghĩ xấu khởi lên trong tâm, chúng ta dập tắt liền sẽ không nguy hại đến mình và tha nhân. Nếu để nó tăng trưởng sẽ dẫn đến lời nói xấu, hành động xấu đem lại tội lỗi, đau khổ cho bản thân và người khác. Tùy theo mức độ hành động ác của mỗi người mà tác hại đến xã hội, đất nước, thế giới nặng nhẹ khác nhau. Khi sống trong một tập thể, mỗi người biết nhường nhịn một chút và tha thứ mọi lỗi lầm của nhau thì sẽ có an lạc, hạnh phúc. Ngược lại, ai cũng cố chấp cho mình là đúng sẽ dẫn đến đấu tranh. Nhẹ thì nói qua nói lại, nặng hơn thì cãi nhau, chửi nhau rồi đến đánh nhau, thậm chí giết nhau.
Câu chuyện giữa hai vị Luật sư và Pháp sư xảy ra rất nhỏ, nhưng lại trở thành rất lớn, kéo theo biết bao quyến thuộc tham gia khẩu chiến với nhau.
“Tương truyền thời ấy có hai tỳ kheo sống cùng một tinh xá, một vị thông hiểu Giới luật và vị kia thông hiểu Kinh điển. Một hôm, vị thứ hai có dịp đến chỗ rửa mặt xong, đi ra và bỏ sót một ít nước thừa để súc miệng trong cái ghè. Sau đó, vị thông Giới luật đi vào và thấy nước, liền đi ra hỏi bạn xem có phải vị ấy đã để nước lại đó chăng. Ông đáp:
– Thưa Hiền giả, vâng.
– Sao, thế Hiền giả không biết đó là lỗi lầm ư?
– Không, tôi không biết.
– Này Hiền giả, đó là lỗi lầm.
– Thế thì tôi sẽ sám hối việc ấy.
– Song nếu Hiền giả không có ý làm việc ấy thì đó không phải lỗi lầm.
Như vậy, vị ấy là người không thấy lỗi lầm trong một việc có lỗi lầm. Vị tinh thông Giới luật bảo các đệ tử mình:
– Vị tinh thông Kinh điển này, dù đã phạm lỗi lầm, lại không biết việc ấy.
Khi gặp các đệ tử của vị tỳ kheo kia, họ bảo:
– Thầy của các vị dù phạm lỗi lầm, lại không nhận ra lỗi lầm.
Ðám này đi về thưa lại với thầy. Vị thầy tinh thông Kinh điển, bảo:
– Vị thông Giới luật này trước kia bảo đó không phải lỗi lầm, nay lại bảo đó là lỗi lầm. Vị này là kẻ nói dối.
Ðám đệ tử này đi nói với đám kia:
– Thầy của các vị là kẻ nói dối.
Do đó, hai nhóm gây sự tranh cãi lẫn nhau. Về sau vị thông hiểu Giới luật, tìm được cơ hội đưa ra một hình thức tẩn xuất vị tỳ kheo đã không chịu nhận thấy sự vi phạm giới luật của mình.
Từ đó về sau, các cư sĩ cung cấp bốn vật dụng cần thiết cho Tăng chúng cũng chia ra hai phe. Các tỳ kheo ni nhận sự giáo huấn của các tỳ kheo, cũng họp thành hai phái và tiếng huyên náo vang khắp nơi.
Sau đó, một tỳ kheo đến gần đức Như Lai, và thông báo quan điểm của phe tẩn xuất là: “Người kia bị tẩn xuất theo đúng Chính pháp”. Và quan điểm của những kẻ theo phe người bị tẩn xuất là: “Người ấy bị tẩn xuất một cách phi pháp”, cùng sự kiện một số người, dù bị phe tẩn xuất cấm đoán, vẫn tụ họp lại để ủng hộ vị ấy.
Ðức Thế Tôn bảo:
– Có sự chia rẽ, quả thật, có sự chia rẽ trong Giáo hội.
Ngài đến gặp hai phe, nêu rõ sự tai hại trong vấn đề tẩn xuất đối với những người tẩn xuất, cùng sự nguy hại theo sau sự che giấu lỗi lầm đối với phe kia, rồi Ngài ra đi.
Lần khác, khi hội chúng thực hành lễ Bố tát cùng các Tăng sự khác trong cùng một nơi, trong một khu vực, và lại tranh cãi ở trai đường cùng nhiều nơi khác, Ngài liền đưa ra điều luật rằng họ phải ngồi lại với nhau thảo luận lần lượt từng người một từ mỗi phe.
Khi nghe họ vẫn tranh cãi trong tinh xá, Ngài đến bảo:
– Thôi đủ rồi, này các tỳ kheo, chúng ta không được tranh cãi.
Một vị trong phe phi chính thống không muốn phiền nhiễu đức Thế Tôn, liền thưa:
– Xin đức Thế Tôn hãy về tinh xá. Mong đức Thế Tôn được an tịnh độc cư, thọ hưởng cực lạc đã chứng đắc ngay tại đời này. Chúng con sẽ tự làm cho chính bản thân ô danh vì cuộc khẩu tranh, luận tranh, đấu tranh, giao tranh này.
Nhưng bậc Ðạo sư bảo họ:
– Này các tỳ kheo, ngày xưa, vua Brahmadatta, quốc vương ở Kāsi, trị vì tại Ba La Nại, đã chiếm đoạt vương quốc của vua Dighati ở Kiều Tát La, và giết vua ấy, trong lúc sống ẩn tích mai danh. Ðến khi vương tử Dighavu tha mạng vua Brahmadatta, hai vị trở thành thân hữu trở về sau. Và như vậy, chắc hẳn có nhiều khổ đau và thân ái giữa hai vị vua mang kiếm trượng ấy; quả thật, này các tỳ kheo, các ông cần hiểu rõ rằng các ông đang sống đời tu tập theo Pháp và Luật được khéo giảng, thì các ông có thể tha thứ và tỏ từ tâm đối với nhau.
Giáo huấn Tăng chúng đến lần thứ ba, Ngài bảo:
– Thôi đủ rồi, này các tỳ kheo, không được tranh chấp nữa”.[9]
“Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát và đi vào Kosambī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở Kosambī, ăn xong, trên con đường khi khất thực trở về, sau khi dọn dẹp chỗ nằm, lấy y bát, Ngài đứng và nói bài kệ:
Giữa quần chúng la ó,
Không ai nghĩ mình ngu,
Giữa Tăng chúng phân ly
Có ai nghĩ hướng thượng?
Thất niệm kẻ trí nói,
Ba hoa trăm thứ chuyện,
Miệng há, nói thả dàn,
Dẫn đi đâu, ai biết?
“Nó mắng tôi, đánh tôi!
Nó hại tôi, cướp tôi!”
Ai ôm oán niệm ấy,
Hận thù không thể nguôi.
“Nó mắng tôi, đánh tôi!
Nó hại tôi, cướp tôi!”
Không ôm oán niệm ấy,
Hận thù sẽ tự nguôi.
Hận thù diệt hận thù,
Không đời nào diệt được,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật nghìn thu.
“Người khác không hiểu biết,
Ở đây ta bị diệt,”
Những ai hiểu điều này,
Nhờ vậy, tranh luận tiêu.
Kẻ chủ xướng hại mạng,
Cướp bò, ngựa, tài sản,
Kẻ cướp đoạt quốc độ,
Họ còn biết đoàn kết,
Sao các ông không vậy?
Nếu được bạn hiền trí,
Đồng hành, khéo an trú,
Đả thắng mọi hiểm nạn,
Sống hoan hỷ chính niệm.
Nếu không bạn hiền trí,
Như vua bỏ quốc độ,
Cô độc như voi rừng.
Tốt hơn, sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu,
Cô độc không làm ác,
Nhàn hạ, như voi rừng”.[10]
“Khi bậc Ðạo sư đã nói như vậy xong, và Ngài vẫn không giải hoà được hội chúng này, Ngài liền đi đến làng Bālaka, nơi làm muối, và thảo luận với Tôn giả Bà Cữu (Bhagu) về sự an lạc của độc cư. Sau đó, Ngài lại đến nơi cư trú của ba thiện gia nam tử và nói chuyện với họ về hạnh phúc hoà hợp.
Rồi Ngài du hành đến rừng Pārileyyaka, cư trú tại đó ba tháng, và đi thẳng về Xá Vệ, chứ không trở lại Kosambī.
Quần chúng cư sĩ ở Kosambī thảo luận với nhau và bảo nhau:
– Hiển nhiên các Tôn giả tỳ kheo ở Kosambī đã làm hại chúng ta rất nhiều, bậc Ðạo sư bị các vị ấy quấy nhiễu nên ra đi. Chúng ta quyết không trân trọng kính chào các vị ấy, cũng không cúng dường vật và thực khi họ đến nhà, để rồi họ sẽ ra đi, hoặc hoàn tục, hoặc cầu hòa với bậc Ðạo sư.
Và họ làm đúng như vậy.
Các tỳ kheo ấy bị túng quẫn vì hình thức xử phạt này, liền đến Xá Vệ thỉnh cầu đức Thế Tôn tha thứ”.[11]
Đức Phật vốn là Thái tử đã từ bỏ hết mọi hưởng thụ ngũ dục tại thế gian để xuất gia tầm chân lý cứu độ chúng sinh. Sau khi thành tựu Phật quả, Ngài đã dấn thân hoằng pháp lợi sinh suốt bốn mươi lăm năm cho đến khi Niết bàn. Ngài đã tận hưởng pháp vị an lạc, hạnh phúc, giải thoát, muốn chia sẻ lại cho mọi người cùng hưởng, vậy thôi. Ngài không phải vì danh lợi mà làm, thế nhưng những thứ đó là kết quả tự nhiên của việc làm chân chính lợi ích cho mọi người và được mọi người ban tặng. Cũng chính tấm lòng của vua quan, đại thần, trưởng giả, đủ mọi tầng lớp trong xã hội quy hướng về đức Phật và Tăng đoàn khiến cho đụng chạm đến danh lợi của những tu sĩ ngoại đạo. Tự nhiên đức Phật và Tăng đoàn trở thành kẻ thù, là cái gai trong mắt nên họ phải tìm cách diệt trừ và chúng ta cũng thông cảm cho họ. Trong cuộc sống không phải mình làm điều xấu mà người ta ghét, có khi mình làm những điều quá tốt, quá lợi ích cho đa số lại bị người ta đố kỵ, ganh ghét. Tất nhiên đối với người biết tu thì cần phải sáng suốt, chính niệm tỉnh giác, hành xử như thế nào để mọi việc qua đi tốt đẹp, không để phiền não, oán thù lưu lại trong lòng người tự do tự tại. Cho nên, mặc dù việc họ âm mưu giết nàng Tôn Đà Lỵ rồi vu khống cho đức Phật và chư Tăng, đại chúng rất lo âu về danh dự và uy tín của mình, nhưng Phật vẫn thản nhiên và khẳng định “cây ngay không sợ bóng cong”. Thế rồi mọi việc ồn ào một thời gian và sự thật vẫn là sự thật, mọi người càng tôn kính đức Phật và Tăng đoàn hơn nữa.
Trong cuộc đời này, luôn có hai mặt sáng tối, thiện ác, chính tà, chân ngụy, phải trái,... Cho nên, nơi nào có Phật thì nơi đó cũng có ma. Đề Bà Đạt Đa là con của một vị vua, giác ngộ đi xuất gia theo Phật. Đối với Phật ông cũng là người cùng huyết thống, bà con thân thuộc. Như vậy, ông vừa là người thân ngoài xã hội và là người đệ tử xuất gia trong đạo của đức Phật. Lúc đầu xuất gia ông cũng tinh tấn tu tập, thật sự là người đạo đức gương mẫu và đã được một vài năng lực thần thông. Tuy nhiên về sau do bị lợi đắc, cung kính, danh vọng làm ông mất hết thiện pháp. Ông muốn lãnh đạo Tăng chúng nhưng không được đức Phật chấp nhận, ông trở nên thù hận tìm cách giết Ngài để lên ngôi thượng thủ. Ông cấu kết với vua A Xà Thế, cho người đi giết đức Phật nhưng không được. Ông đã tự mình lăn đá từ trên núi xuống để giết Phật cũng không xong. Cuối cùng, ông cho voi uống rượu say để giết Phật cũng không thành. Sau đó, ông tìm cách phá hòa hợp Tăng, lôi kéo được năm trăm tân tỳ kheo về với mình và thực hiện các Tăng sự riêng. Về sau Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã đến thuyết phục được năm trăm tỳ kheo trở về với đức Phật. Cuối cùng, Đề Bà Đạt Đa sống và chết trong đau khổ khi không thực hiện được ước mơ “bất chính” của mình. Thật đáng tiếc, một con người có rất nhiều thiện căn và thuận duyên tu hành đến thế mà không giữ được tâm Bồ đề kiên cố, chí tu học vững bền lại để cho lợi đắc, cung kính, danh vọng làm mất đi thiện pháp, trở thành người phạm một lúc hai trọng tội ngũ nghịch là: làm thân Phật chảy máu và phá hòa hợp Tăng. Tuy nhiên, cuối đời ông cũng đã nhận ra sự sai trái, tội lỗi của mình và ăn năn sám hối. Đây có lẽ cũng là một thiện căn giúp ông mau chóng thoát khỏi quả báo nơi địa ngục A tỳ.
Ở thế thì dễ, xử thế thì khó. Khi sống chung trong một tập thể, mỗi người cần phải biết lắng nghe, thông cảm, thương yêu, hòa thuận, tha thứ thì đời sống của mọi người sẽ được an lạc, hạnh phúc lâu dài. Tăng Ni là những người sống trong đoàn thể thanh tịnh cao thượng thì cần phải thể hiện rõ nét tinh thần lục hòa cộng trú. Hơn nữa, chư Tăng Ni lại là bậc thầy mô phạm cho Phật tử tại gia noi gương tu học nên mọi hành động của thân khẩu ý cần phải chính niệm tỉnh giác. Câu chuyện của vị Luật sư và Pháp sư xảy ra thời đức Phật thật ra không đáng lại trở thành quá đáng, là một bài học cho Tăng Ni soi rọi lại mình. Vị Pháp sư quên đổ gáo nước thừa, vị Luật sư nhắc nhở. Vị Pháp sư biết mình sai nên sám hối. Sự việc chỉ có thế, rất nhỏ. Vậy mà khi nó đến tai các đệ tử của vị thầy Luật sư và Pháp sư, các đệ tử của hai vị thầy này đều biện hộ cho thầy mình. Cứ thế hai nhóm đệ tử đấu khẩu với nhau, kéo theo các Phật tử của hai bên cũng tham gia và sự việc trở nên nghiêm trọng. Đức Phật biết được đã đến khuyên nhủ, giải hòa nhưng hai bên đều cố chấp không nghe, quyết ăn thua đủ. Cuối cùng, Phật bỏ vào rừng ba tháng an cư để cảnh tỉnh họ. Khi Phật vào rừng, các Phật tử hộ pháp không ủng hộ, cúng dường chư Tăng nữa. Lúc đó, hai bên hối hận và đi đến sám hối đức Phật.
Nghĩ mà thương cho đức Phật, cả đời hy sinh, dạy dỗ cho đệ tử vậy mà cũng bị đệ tử phản bội, quấy rầy!
Tóm lại:
– Câu chuyện về nàng Tôn Đà Lỵ: Do ngoại đạo ganh tỵ với đức Phật nên đã giết cô ta, rồi vu khống cho đức Phật, nhằm làm mất uy tín của đức Phật và Tăng đoàn.
– Câu chuyện Đề Bà Đạt Đa: Do vì danh lợi nên ông đã âm mưu giết Phật để lên lãnh đạo Tăng đoàn; sự việc không thành ông lại tìm cách chia rẽ Tăng đoàn, phá hòa hợp Tăng.
– Câu chuyện hai vị sư: Do sân si nên họ đã luận tranh, khẩu tranh, đấu tranh với nhau. Đức Phật khuyên nhủ, hòa giải nhưng không được. Họ đã làm mất đi hình ảnh cao đẹp của chư Tăng, làm giảm tín tâm của Phật tử.
Những bóng ma quá khứ đó vẫn còn phảng phất ở hiện tại, mặc dù đức Phật đã Niết bàn, nhưng nó vẫn chưa buông, quyết phá Phật và Tăng chúng đến cùng:
– Họ phê bình những tỳ kheo dấn thân hoằng pháp lợi sinh là danh lợi, với ý đồ làm nản lòng nhụt chí những Tăng Ni đang phụng sự và phát huy Phật giáo.
– Họ vu khống, xuyên tạc, nói xấu đủ thứ chuyện đối với các chùa làm được Phật sự, khiến quần chúng mất niềm tin.
– Họ bài bác việc tổ chức Khóa tu xuất gia gieo duyên, Khóa tu thiếu nhi, Khóa tu mùa hè, lễ Hằng thuận,... là ngoại đạo, tà giáo, ngày xưa Phật không làm như vậy, để ngăn chặn sự phát triển của Phật giáo.
– Họ chỉ trích những ngôi chùa to Phật lớn là lãng phí tiền của dân chúng, là không cần thiết để làm Phật tử mất tín tâm, không hưởng ứng, cúng dường, ủng hộ chư Tăng Ni.
– Họ tạo ra những vị Phật đầy quyền năng, biến đức Phật thành ông thần có thể ban ân ban phước cho mọi người.
– Họ tạo ra những kinh sách mang đầy màu sắc thần quyền và mê tín rồi gán ghép là lời của đức Phật dạy.
– Họ phổ biến những kinh sách ở trên trời rơi xuống, ở trong núi đá hiện ra, những lời huyền ký bí truyền không có căn cứ, để dụ dỗ người nhẹ dạ thiếu hiểu biết tin theo.
– Họ mang hình tướng người xuất gia theo Phật mà nói toàn những chuyện thần quyền mê tín, hướng Phật tử đến con đường tà.
– Họ là tỳ kheo nhưng lại hành động sát, đạo, dâm, vọng, không giữ giới luật, oai nghi, làm mất tín tâm của Phật tử, làm trò cười cho ngoại đạo phê phán.
– Họ là tỳ kheo nhưng sống buông lung, phóng túng theo thói đời ăn nhậu, cờ bạc, cá độ, sử dụng các chất kích thích làm mất đi hình ảnh cao đẹp của Tăng sĩ.
– Họ là tỳ kheo nhưng tranh giành chùa chiền, chức vụ trụ trì, tài sản thừa tự, khẩu chiến, luận chiến, thưa kiện lẫn nhau.
– Họ là tỳ kheo nhưng biến chùa thành tư gia của mình, sinh hoạt gia đình thân quyến phàm tục, ô uế, làm mất đi sự thanh tịnh chốn thiền môn.
– Họ là tỳ kheo nhưng cãi lời thầy dạy, phản thầy, lừa bạn, bỏ chùa này đi chùa khác, nói xấu thầy bạn của mình.
– Họ là tỳ kheo nhưng sống xa hoa, phung phí, dùng những đồ đắt tiền, xem tài sản Tam bảo là của mình, tha hồ hưởng thụ.
Những hạng người như trên có phải là hiện thân của những bóng ma Tôn Đà Lỵ, Đề Bà Đạt Đa, hai vị sư thời quá khứ vẫn còn tiếp tục phá đức Phật và chư Tăng ngày nay không?
[1] Kinh Tiểu Bộ tập IV, Chuyện tiền thân, 285. Chuyện heo rừng trong hang thủy tinh.
[2] Tiểu Phẩm tập II, VII, Chương chia rẽ hội chúng, NXB Tôn giáo, Quý I, 2015.
[3] Kinh Tiểu Bộ tập VI, Chuyện tiền thân, 542. Chuyện tế sư Khaṇḍahāla.
[4] Kinh Tiểu Bộ tập VI, Chuyện tiền thân, 533. Chuyện tiểu thiên nga.
[5] Kinh Tiểu Bộ tập V, Chuyện tiền thân, 445. Chuyện vua Đa.
[6] Kinh Tiểu Bộ tập IV, Chuyện tiền thân, 243. Chuyện nhạc sĩ Guttila.
[7] Kinh Tiểu Bộ tập III, Chuyện tiền thân,143. Chuyện chiếu sáng như mặt trời.
[8] Kinh Tiểu Bộ tập I, Kinh Phật tự thuyết, Chương năm, Phẩm Trưởng lão Soṇa, (VIII) (Ud. 59).
[9] Kinh Tiểu Bộ tập IV, Chuyện tiền thân, 428. Chuyện Giáo hội ở Kosambī.
[10] Kinh Trung Bộ tập II, 128. Kinh tùy phiền não.
[11] Kinh Tiểu bộ tập IV, Chuyện tiền thân, 428. Chuyện Giáo hội ở Kosambī.