Chó rừng và Sư tử
Hôm nay ngày 15 tháng 4 năm Kỷ Hợi, chùa Hoằng Pháp long trọng tổ chức đại lễ Phật đản PL.2563 – DL.2019. Đặc biệt năm nay Việt Nam chúng ta tổ chức đại lễ Vesak, Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ ba tại tỉnh Hà Nam. Đây là một vinh dự cho toàn thể người Phật tử Việt Nam. Thầy gửi lời chúc mừng đến ngày lễ Phật đản, đồng thời kính chúc toàn thể quý Phật tử cùng gia quyến luôn được an vui, hạnh phúc và tinh tấn trên con đường tu học Phật pháp.
Kính thưa quý vị, thầy nhập thất đọc đại tạng kinh từ mùng 08 tháng 12 năm Mậu Tuất, cho đến hôm nay là ngày rằm tháng Tư năm Kỷ Hợi, vừa đúng bốn tháng bảy ngày. Thầy gửi lời tri ân đến quý Phật tử, đặc biệt là chư Tăng và Phật tử chùa Hoằng Pháp trong thời gian qua đã ủng hộ từ tinh thần lẫn vật chất để thầy được an tâm nhập thất đọc đại tạng kinh. Trong thời gian đọc kinh, thầy rất hạnh phúc và cảm thấy mình có phước lớn.
Phước lớn thứ nhất là thầy được làm người. Như quý vị biết, đức Phật dạy trong vòng sinh tử luân hồi gồm có sáu cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, người và trời. Trong đó, cõi trời là sung sướng nhất, địa ngục là khổ đau nhất. Sướng quá thì người ta khó tu, mà khổ quá cũng không thể tu được. Làm người vừa có khổ, có vui cho nên dễ giác ngộ, tinh tấn tu tập. Có nhiều người sinh ra có mắt mà không nhìn thấy, có tai mà không nghe được, có miệng mà không nói ra lời, có tay mà không thể cầm nắm, có chân mà không thể đi, có đầu mà không thể suy nghĩ,… đó là những người mù, người điếc, người câm, người bại liệt, người bại não. Chúng ta sinh ra với đầy đủ lục căn là một phước báu lớn. Không nói gì đến khiếm khuyết về sáu căn, ngay như về vấn đề giới tính, nếu một người nam mà không ra nam, nữ cũng không phải nữ, đó cũng là điều bất hạnh. Cho nên, chúng ta phải ý thức mình là người có phước báu, được đầy đủ lục căn và được tiếp cận Phật pháp. Vì có những người trên cuộc đời này, từ lúc sinh cho đến khi chết, không biết gì đến Phật pháp, không biết nhân quả tội phước, không biết đời này đời sau. Họ chỉ nghĩ, sống là còn, chết là hết, chỉ biết hưởng thụ và sẵn sàng làm tất cả mọi việc bất kể thiện ác, miễn đem lại lợi ích cho mình hoặc thỏa mãn dục vọng là được. Họ giống như người sống say chết ngủ, sáng mở mắt đi làm kiếm tiền để ăn, để vui chơi, thỏa mãn dục vọng, rồi tối đi ngủ, sáng hôm sau thức dậy lại đi làm kiếm tiền... xoay vòng như thế, đến một ngày nào đó nhắm mắt xuôi tay hết một kiếp người. Còn quý Phật tử may mắn được gặp Phật pháp, được quy y Tam bảo, được thực hành lời Phật dạy là phước lớn, biết hướng đời mình đến con đường thiện, con đường cao thượng tốt đẹp.
Kế đến, chúng ta có phước báu là người Việt Nam. Thí dụ, nếu chúng ta sinh ra là người Somalia ở châu Phi thì đời sống khổ cực, khí hậu nóng bức, đói khát, khó khăn, bất hạnh,... Nếu chúng ta sinh vào các nước Châu Âu thì khó gặp được Phật pháp, vì đa phần theo Thiên Chúa giáo hoặc Tin Lành; các nước Ả Rập thì theo Hồi giáo. Khi mình sinh ra ở nơi nào sẽ bị ảnh hưởng về văn hóa và tôn giáo nơi đó. Cho nên, thầy nói chúng ta có phước báu được sinh làm người Việt Nam là vậy. Vì ở Việt Nam, chúng ta có cả Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo,… rất nhiều tôn giáo, nhưng điều quan trọng và may mắn là chúng ta gặp được Phật pháp. Thứ nữa, thầy thấy mình có phước báu được xuất gia tu học, đặc biệt là theo Bắc truyền. Vì sao? Bởi vì trước đây, khi thầy giác ngộ phát tâm đi xuất gia, thầy muốn tu theo hệ phái Khất sĩ nhưng không đủ duyên. Sau đó, thầy đi đến chùa Hoằng Pháp Bắc truyền xuất gia với Hòa thượng Ngộ Chân Tử và tu học cho đến ngày hôm nay. Tu học theo Bắc truyền đa phần ăn chay, còn các vị sư tu học bên Nam truyền ăn mặn. Đa phần các nước Thái Lan, Lào, Cambodia, Myanmar, Tích Lan,… đều là Phật giáo Nam truyền. Nếu thầy sinh ra tại các nước này gặp Phật pháp xuất gia cũng ăn mặn như họ, vì bị ảnh hưởng về văn hóa cũng như phong tục tập quán của Phật giáo nước sở tại.
Có lần thầy đến thăm một ngôi chùa ở Cambodia, khi đi ngang nhà bếp, bay ra mùi tanh hôi rất khó chịu. Có lẽ thầy tu tập bên Bắc truyền lâu ngày ăn chay đã quen, nên khi ngửi mùi cá thịt thì bị dị ứng. Một lần khác, thầy tham dự lễ tại trung tâm thiền Dhammakaya ở Thái Lan, buổi lễ có khoảng hơn một trăm nghìn vị sư và mấy trăm nghìn Phật tử; phải nói rằng, trên thế giới chưa có buổi lễ Phật giáo nào tổ chức lớn như ở Dhammakaya này. Thầy liền suy nghĩ, với số lượng cả trăm nghìn chư Tăng thì việc thọ thực như thế nào? Ở chùa các sư phải đi khất thực, người ta cúng gì ăn đó, nhưng bây giờ dự lễ nơi đây, không đi khất thực, mà trung tâm thiền này nấu ăn tại chỗ. Như vậy, với số lượng hơn một trăm nghìn vị sư thì số lượng thịt cung cấp cho một bữa ăn phải rất nhiều. Những con vật bị giết để phục vụ cho chư Tăng cũng rất nhiều. Vì thế, thầy mới nói mình được phước báu là gặp Phật pháp và xuất gia theo Bắc truyền, được ăn chay là vậy. Hiện nay trên thế giới, hai nước có số lượng chư Tăng Ni và Phật tử ăn chay nhiều nhất là Việt Nam và Đài Loan. Nếu so sánh hai quốc gia, thì chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam ăn chay nhiều hơn Đài Loan. Đây cũng là một niềm tự hào của người Phật tử Việt Nam chúng ta. Ngoài ra, ở Ấn Độ có những vùng người dân ăn chay từ xưa đến nay theo thói quen cũng rất nhiều. Thầy suy nghĩ nếu đời sau được sinh làm người trở lại, thầy nguyện mình sẽ gặp Phật pháp và xuất gia tu hành, đặc biệt là ăn chay. Đời đời kiếp kiếp sinh ra làm người đều mong muốn như thế. Vì thầy nghĩ rằng các loài động vật đều tham sống sợ chết, mình muốn sống lại lấy thịt chúng sinh nuôi thịt mình, thật là bất nhân.
Phước báu thứ ba, là thầy được đọc kinh Nikāya. Như quý vị biết, từ năm 1950 trở về trước, đại tạng kinh của chúng ta hoàn toàn không đầy đủ; bộ A Hàm đã có dịch nhưng chưa được hoàn chỉnh, còn bộ Nikāya thì từ những năm 1960, khi Hòa thượng Thích Minh Châu du học ở Ấn Độ về mới bắt đầu phiên dịch. Cho đến bây giờ cả hai bộ Nikāya và A Hàm đều đã được dịch hoàn chỉnh. Bộ A Hàm của Bắc truyền thầy đã từng đọc nhưng chưa hết; lần nhập thất này, thầy quyết định đọc hết bộ kinh Nikāya, gồm có Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ. Khi đọc bộ kinh Nikāya, thầy suy nghĩ rằng, một người xuất gia dành cả cuộc đời để tu hành, hướng đến sự nghiệp trí tuệ, nếu không đọc những bộ kinh Nikāya hoặc bộ kinh A Hàm thì đó là một điều thiệt thòi rất lớn cho sự nghiệp trí tuệ. Như thầy xuất gia năm mười lăm tuổi, đến nay sáu mươi tuổi là đã bốn mươi lăm năm tu ở chùa. Bốn mươi lăm năm mà chưa đọc được trọn vẹn bộ đại tạng kinh của đức Phật để lại thì đó là một điều thiếu sót. Chúng ta thường nói, tu là hướng về sự nghiệp trí tuệ. Thế mà, bộ đại tạng kinh này là kho tàng trí tuệ của đức Phật để lại, chúng ta không đọc thì có phải là đáng tiếc lắm không? Chư Tăng Ni của chúng ta có bao nhiêu người đã đọc hết bộ kinh Nikāya hoặc bộ kinh A Hàm? Thầy lấy thí dụ cụ thể nhất, trong chùa Hoằng Pháp có hơn một trăm vị xuất gia, nhưng chỉ có một, hai người đã đọc hết một trong hai bộ kinh này. Thỉnh thoảng, thầy có gặp chư Tăng Ni, hỏi thăm các vị ấy có đọc hết bộ kinh Nikāya hoặc kinh A Hàm chưa? Các thầy, các sư cô đều nói chưa. Nếu có đọc hết được cũng rất hiếm, thầy nghĩ chắc chỉ được khoảng năm phần trăm. Như vậy, với số lượng chư Tăng một nghìn người thì có năm mươi người đọc được một trong hai bộ kinh này, theo đó nhân lên một chục, vài chục nghìn người thì sẽ được bấy nhiêu người đọc. Phải nói đây là thiệt thòi rất lớn đối với chư Tăng Ni của chúng ta. Bởi vì, mình đã bỏ hết tất cả sự nghiệp ở thế gian, tiền bạc, danh lợi, tài sắc,… không còn theo đuổi, vậy chúng ta theo đuổi điều gì? Đó là sự nghiệp trí tuệ. Sở dĩ, một số chùa Việt Nam hiện nay có những hình thức làm sai lạc tinh thần của đạo Phật, đưa người đến chỗ mê tín dị đoan, lỗi này không phải tại Phật tử mà chính ở chư Tăng Ni. Chư Tăng Ni bày ra những cách thức tu tập không đúng với tinh thần Chính pháp, làm mất đi cốt tủy đạo Phật. Thầy suy nghĩ, nếu tất cả Tăng Ni đều đọc hai bộ kinh lớn như trên, chắc chắn Phật giáo Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ và tất cả những vấn đề mê tín dị đoan sẽ dần được thay đổi.
Các thầy, các sư cô mang trọng trách là những người lãnh đạo tinh thần Phật tử, cần phải thực hành đúng Chính pháp thì Phật tử sẽ không đi vào con đường mê tín dị đoan. Từ đó, thầy trăn trở làm thế nào để giúp chư Tăng Ni có thể đọc được đại tạng kinh? Thầy biết Tăng Ni trẻ hiện tại có nhiều hoài bão, thao thức làm sao dành thời gian và sức lực để có thể đọc toàn bộ kinh Nikāya hoặc kinh A Hàm. Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều thầy, sư cô không đủ điều kiện đọc và cũng quá bận rộn với các Phật sự. Trước đây, bản thân thầy có rất nhiều việc chùa, không thể dành thời gian để chuyên tâm đọc kinh, cho nên bây giờ, thầy phải tạm dừng mọi Phật sự để nhập thất nghiên cứu kinh tạng. Nếu đủ duyên, thầy sẽ tổ chức lớp đọc đại tạng kinh, mục đích giúp cho chư Tăng Ni có cơ hội đọc kinh Nikāya hoặc kinh A Hàm. Thí dụ, một năm thầy sẽ tuyển một hoặc hai trăm Tăng Ni về chùa Hoằng Pháp chỉ việc ăn và đọc kinh. Thầy sẽ phát tâm hỗ trợ chi phí cho các vị này trong vòng bảy tháng. Chư Tăng Ni tùy chọn đọc bộ kinh Nikāya hay A hàm đều được. Thầy tin chắc trong tương lai, sau khi đọc xong một trong hai bộ kinh trên, những vị này sẽ hoằng pháp lợi sinh đem lại lợi ích an lạc, hạnh phúc cho rất nhiều người và hướng dẫn mọi người đi đúng Chính pháp, không xảy ra tình trạng mê tín dị đoan mà báo chí vừa qua đã nêu ở một số chùa.
Có lẽ, đây cũng là một tâm nguyện cuối đời của thầy. Thầy mong sao sẽ thực hiện được. Trước hết, vấn đề khó khăn là cơ sở vật chất. Muốn có thể giúp chư Tăng Ni về chùa đọc kinh trong thời gian bảy tháng, phải có chỗ ăn, chỗ ở tiện nghi. Hiện tại, cơ sở của chùa Hoằng Pháp chỉ đáp ứng được nhu cầu cho Phật tử đến tu học, do vậy không đầy đủ cho chư Tăng Ni đến để nghiên cứu kinh tạng trong thời gian dài. Vậy, thầy rất mong chùa nào hoặc nơi nào có cơ sở rộng thì hoan hỷ hợp tác với thầy, thầy sẽ là người chịu trách nhiệm tuyển sinh và lo mọi chi phí cho chư Tăng Ni ăn học. Hết một năm, thầy sẽ tiếp tục tuyển sinh đợt khác, cứ như thế cho đến hết đời của thầy.
Hôm nay, thầy nói lên tâm nguyện của mình, mong quý Phật tử hỗ trợ, cũng như tạo mọi điều kiện để thầy có thể thực hiện tâm nguyện này. Vì thầy thấy rằng, nếu không thay đổi, không có phương pháp hỗ trợ chư Tăng Ni được đọc và học những bộ kinh giá trị này thì các sinh hoạt tu học của một số chùa sẽ dễ đi vào con đường mê tín dị đoan. Nếu tất cả Tăng Ni đều đọc được bộ kinh Nikāya hoặc kinh A Hàm, thầy chắc chắn nhận thức về giáo lý đạo Phật của các vị sẽ đúng đắn; từ đó, hướng Phật tử đi theo con đường Chính pháp và Phật giáo Việt Nam của chúng ta sẽ phát triển rực rỡ.
Hôm nay, nhân dịp ngày lễ Phật đản PL.2563, thầy không về dự lễ được, cho nên thầy làm clip này gửi về chùa Hoằng Pháp chia sẻ một vài vấn đề quan trọng. Và thầy cũng rất cảm ơn chư Tăng nội tự, quý Phật tử gần xa trong thời gian qua đã hỗ trợ từ tinh thần lẫn vật chất để thầy được an tâm nhập thất đọc kinh tạng. Thầy cũng có một tâm nguyện cuối đời, là làm sao để tạo điều kiện cho Tăng Ni được đọc hết bộ kinh Nikāya hoặc kinh A Hàm. Mong quý vị ủng hộ chương trình như vừa nêu trên, để giúp thầy hoàn thành được tâm nguyện cuối đời của mình. Trước khi dứt lời, xin kính chúc toàn thể quý Phật tử và gia quyến luôn được an vui, hạnh phúc, tinh tấn trên con đường tu học Phật pháp.