Sách HT. Thích Chân Tính
Tâm Sự Đời Tu

Hôm nay, ngày 30 tháng 11 năm Mậu Tuất, theo thông lệ hằng tháng, chùa Hoằng Pháp tổ chức hai buổi sám hối vào ngày mười bốn và ba mươi âm lịch. Trước khi vào thời khóa sám hối, thường có một bài pháp thoại. Hơn mười năm trước, những buổi sám hối và pháp thoại đều do thầy đảm trách. Từ khi chùa tổ chức tu niệm Phật một ngày, thầy chuyển qua giảng cho các Phật tử vào ngày tu đó, còn buổi pháp thoại những ngày sám hối nhường lại cho chư Tăng bổn tự. Đã lâu, thầy chưa được gặp mặt cũng như nói chuyện với quý Phật tử. Thầy chợt suy nghĩ, thời gian đi quá nhanh, mới đó đã bốn mươi lăm năm kể từ khi thầy bước chân vào chùa Hoằng Pháp xuất gia tu học. Về tuổi đời, năm nay đã sáu mươi, thầy không biết sẽ còn gặp quý Phật tử được thêm bao lâu. Hôm nay thầy lên đây để gặp cũng như thăm hỏi mọi người, nếu mai kia vô thường đến, thầy cũng không ân hận. Quý vị cũng không nên buồn khi nghe nói về điều đó.

Năm 1973, vào kỳ nghỉ hè lớp chín, thầy đã hiểu Phật pháp và quyết chí xuất gia. Sau một vài lần trốn nhà đi, cha mẹ cũng chấp nhận cho thầy xuất gia. Vào khoảng tháng Bảy dương lịch, thầy được mẹ đưa về chùa Hoằng Pháp, nhờ bà Phồn quen với chùa, dắt vào gặp sư cụ (ngày xưa gọi Hòa thượng khai sáng chùa Hoằng Pháp là sư cụ) để xin được xuất gia. Sư cụ hoan hỷ thu nhận. Tuy mới mười lăm tuổi, là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, cũng chưa bao giờ rời xa gia đình, thế nhưng với tâm nguyện cùng sự thôi thúc xuất gia nên thầy đã mạnh dạn rời xa gia đình đến chùa Hoằng Pháp tu tập. Khi thầy về đây thì tất cả mọi người đều xa lạ với mình. Ngày đầu tiên thầy cảm thấy bơ vơ, lạc lõng không một người nào quen và cũng chẳng ai nói gì với mình. Thầy bỗng thấy hụt hẫng, muốn trở về. Lúc đi thì háo hức, tìm mọi cách để được xuất gia; đến khi tới chùa tự nhiên chán nản lại muốn trở về. Lúc ấy, thầy xin sư cụ ra ngoài nhà người thân để tiễn mẹ về quê, có lẽ sư cụ biết ý nên không cho đi. Thầy năn nỉ mãi sư cụ cũng xiêu lòng đồng ý. Chắc ngài biết, cho đi thì khó có thể trở lại, bởi vì thấy “thằng này” không biết có tu được không, mới vào ngày hôm trước, hôm sau đã đòi đi về tiễn mẹ. Thật ra, đây là cái cớ để thầy đi về luôn. Khi ra gặp mẹ, thầy nói muốn đi về, không tu nữa. Mẹ thầy nghe cũng hơi bực, vì lúc ở nhà đòi đi cho bằng được, giờ lại đổi ý. Bà rất khéo, nói: “Thôi, con cố gắng ở lại chùa, Tết mẹ lên rước về”. Thế là thầy không còn nói gì được, bên ngoài nghe lời nhưng trong lòng thì mong về lắm. Tuy nhiên, không còn cách nào khác, thầy đành quay trở lại chùa. Sống trong chùa chừng vài ngày, thầy thấy quen dần với mọi người và nếp sinh hoạt thiền môn, lúc đó bắt đầu có được niềm vui.

Như quý vị biết, chùa Hoằng Pháp xây dựng từ năm 1959, ban đầu chỉ có một chính điện, về sau do số lượng Phật tử về tu học đông nên sư cụ xây nối thêm chính điện phía trước. Như vậy, chính điện chùa xây hai lần. Phía trước sân chính điện khoảng hơn năm mươi mét có một cây bồ đề rất lớn, ngài xây bờ bao xung quanh và đúc những hình tượng về cuộc đời đức Phật, từ lúc đản sinh, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân và Niết bàn. Hồi đó, khu vực này thường được gọi là bồ đề đạo tràng. Cạnh bồ đề đạo tràng có hai cái cốc, hồi xưa gọi là cốc, bây giờ gọi là thất. Đây là một căn nhà xây có chiều ngang và rộng khoảng bốn mét, dành cho các sư khất sĩ về thuyết pháp và nghỉ tại đó. Đặc biệt có sư Giác Tuyền, sư Ngộ Chân Tâm, sư Ngộ Chân Thành, thường về chùa Hoằng Pháp giảng pháp cho Phật tử nghe. Thời điểm đó, xung quanh chùa trồng điều, mít và ở phía sau nhà bếp có trồng cây trứng gà. Quý vị có biết cây trứng gà không? Cây cao khoảng tám đến mười mét, cành lá sum suê, quả khi chín màu vàng hơi đỏ, ăn vào có vị ngọt, rất nhiều bột nên mau ngán, bên trong có hạt giống như quả trứng gà, có lẽ vì thế mà người ta gọi nó là cây trứng gà chăng? Lúc đó chùa mình chưa có tường rào xây bằng gạch, mà trồng cây tầm vông thay hàng rào. Bên tay phải chính điện từ ngoài nhìn vào có một dãy nhà tổ thờ ngài Địa Tạng và thờ vong. Sau dãy nhà tổ là dãy nhà chư Tăng, còn phía trước nhà tổ là nhà khách. Sau dãy nhà Tăng là cái cốc của sư cụ ở (vị trí hiện nay là chỗ cầu thang giữa khu Tăng xá một). Phía tay trái từ ngoài nhìn vào là dãy nhà chư Ni và các cụ dưỡng lão ở. Hai bên hông chính điện khi ấy trồng một hàng cây ngọc lan. Mỗi lần cây ngọc lan ra hoa, thầy cùng một số sư cô đi hái để bà cụ Yến mang ra ngoài chợ bán. Năm đó, bà cụ Yến đã già còn bị còng lưng, thế mà cứ sáng sớm là cụ đem những bông hoa ngọc lan hái được ra chợ bán.

Chùa cũng trồng rất nhiều cây điều, tới mùa ra trái, điều rơi đầy cả vườn. Lúc thầy mới đến chùa, thấy điều là lượm ăn, nhưng chỉ ăn được một thời gian là ngán. Về sau, thầy ra ngoài vườn bẻ lấy hạt điều rồi đem vào bếp vùi trong đống tro tàn nướng. Ngày xưa, bếp chưa có nấu củi, toàn nấu bằng lá. Hằng ngày đi quét lá điều, lá mít, gom lại đem vào bếp chất thành đống. Mỗi ngày nấu cơm xong, thầy đem hạt điều vào vùi trong đống tro bếp, đợi nó chín đem ra đập vỏ lấy nhân ăn. Hạt điều nướng rồi, đập ra ăn thì ngon không tả được. Thế nhưng, hôm nào đang ngồi ăn mà thấy sư cụ từ xa đi tới là tức tốc chạy trốn liền. Thỉnh thoảng, mấy chú tiểu rủ nhau ra vườn, thấy quả mít nào chín là cắt xuống rồi tìm chỗ ngồi ăn, hễ thấy bóng dáng sư cụ là cả đám bỏ “tiệc vui” đâm đầu mà chạy. Nghĩ lại thời còn làm chú tiểu rất vui và nhiều kỷ niệm.

Thỉnh thoảng chùa hái được vài chục trái trứng gà đợi cho nó chín rồi đem ra chợ bán, về sau ít người mua, không ai hái nữa, nó chín rụng đầy vườn và rất bẩn. Ngoài những cây lớn, sư cụ còn trồng mè và đa phần là trồng khoai mì để ăn. Vì hoàn cảnh cuộc sống ngày đó khó khăn, sư cụ phải nuôi tới mấy trăm em cô nhi viện Dục Anh, do vậy, mọi người trong chùa ai cũng cố gắng phụ giúp để chùa có thêm kinh phí nuôi các em. Thậm chí, như vừa nãy thầy đã nói, phải hái cả hoa ngọc lan để đem bán lấy tiền lo cho các em. Thời đó, chùa mình đã có nghĩa trang. Khi có người thân chết, người nhà thuê thợ đến đào huyệt để chôn. Thầy suy nghĩ, thay vì thuê người ngoài, bây giờ chịu khó đem sức mình ra để làm việc này, lấy tiền phụ giúp chùa, thế là thầy cũng xung phong ra đào huyệt.

Một vấn đề nữa, năm thầy học lớp chín, nhà trường có dạy thêm môn đánh máy chữ để học sinh sau này ra xã hội có cái nghề sinh sống. Do đã được học và có căn bản nên khi về chùa, bao nhiêu tài liệu, sách vở cần đánh máy, sư cụ đều giao cho thầy. Nhờ vậy, thầy được ngài thương, đôi lúc còn được ưu tiên. Ở ngoài đời, từ nhỏ đến lớn, thầy không phải làm gì ngoài việc học, nhưng khi vào chùa thì cái gì thầy cũng làm hết. Điện hư phải đi sửa, mặc dù thầy chưa từng học qua. Bóng đèn tuýp không sáng, quý vị biết sửa cách nào không? Ban đầu, thầy lấy bóng đèn mới thay vào, nếu vẫn không sáng thì do tăng phô (transform) hỏng, thay tăng phô mà không sáng là do con chuột hỏng, con chuột còn được gọi là tắc te (starter). Chỉ việc thử ba cái đó và thay cái mới vào là biết. Tăng phô tốt, chuột tốt mà bóng không sáng là do bóng tuýp có vấn đề; bóng tuýp tốt, chuột tốt thì do tăng phô bị hỏng… Chỉ như vậy thôi! Cứ thế xào tới xào lui chừng nào đèn sáng thì thôi. Nếu làm mọi cách mà đèn vẫn không sáng là chỉ do điện không có.

Ngày đó, chùa chúng ta có một chiếc xe Lambro ba bánh và một chiếc xe Honda bốn bánh chở hàng, gần giống chiếc xe Daihatsu loại tải nhỏ bây giờ. Thầy thì không biết lái, nhưng thấy mấy ông tài xế chạy, cũng bắt chước ngồi lên và nhờ mấy ông tài xế chỉ cách lái. Một lần nọ, thầy chở sư cụ đi Sài Gòn bằng chiếc xe Honda bốn bánh. Khi ấy, thầy mới mười sáu hoặc mười bảy tuổi, chưa có bằng lái xe. Trên đường chở sư cụ đi công chuyện, lúc về tới ngã tư An Sương thì xảy ra một trường hợp: Chiếc xe buýt đang chạy phía trước xe thầy dừng lại cho khách xuống trạm, thay vì hành khách xuống phải vòng phía sau xe để qua bên kia đường cho an toàn; nhưng họ lại vòng ra phía trước đầu xe mà đi. Lúc đó, xe của thầy vì tránh xe buýt nên lách qua trái để vượt lên. Khi xe vừa chạy tới gần đầu xe buýt, người khách kia cũng đi ra để chuẩn bị băng qua đường. May mắn là thầy thắng kịp, không thì đã xảy ra tai nạn chết người. Lần đó về cũng hơi sợ, nhưng không vì thế mà ngưng lái xe, vì chùa phải thường xuyên đi xin rau và thức ăn tại các chợ đầu mối Sài Gòn đem về nấu cho các em cô nhi, nên thầy bắt buộc phải tiếp tục làm tài xế “liều”.

Chùa Hoằng Pháp lúc ấy có năm, sáu chú tiểu và khoảng hơn mười vị sư từ làng cô nhi Long Thành đến ở. Sau khi làng cô nhi Long Thành bị giải tán, các sư biết chùa Hoằng Pháp có nuôi các em cô nhi nên về đây giúp đỡ. Sư cụ còn có các đệ tử nữ xuất gia là sư cô Hai, sư cô Ba, sư cô Tư, sư cô Năm,… sư cụ đặt tên các cô theo cách gọi của người miền Tây. Sư cô Tư là sư bà Như Giác ở Quan Âm tu viện, quận Phú Nhuận, Tp.HCM; hiện tại, sư bà vẫn khỏe mạnh. Còn lại, sư cô Hai, sư cô Ba và sư cô Năm đã mất. Trong các sư cô, thầy có ấn tượng đặc biệt với sư cô Năm. Lúc thầy mới đến chùa, sư cô Năm khoảng hơn bốn mươi tuổi, ở trong một cái thất phía sau, cách nhà bếp khoảng năm mươi mét. Cái thất làm bằng gỗ, mỗi bề ba mét, rất kín đáo. Ban ngày, cô nhập thất, ban đêm mười hai giờ cô ra ngoài làm việc, nhiều người biết hạnh tu của sư cô nên rất kính mộ, muốn gặp mà không được. Cô tu trong thất đến khi ra ngoài, ai nhìn đều nói cô đẹp, hai má ửng hồng. Sư cô Năm mỗi ngày ăn đúng một bữa trưa, có khi là cơm, khi là rau,… thế mà cô rất khỏe; mười hai giờ đêm, sư cô ra giếng để quay nước. Thời đó, chưa có dùng máy bơm nước như bây giờ, mặc dù ngoài thị trường có bán, cho nên muốn có nước phải quay gàu múc từ giếng lên, tất cả đều dùng tay để quay. Sư cô quay nước xong, đổ vào một cái hồ có bề ngang ba mét, bề rộng hai mét và bề cao khoảng gần một mét, để cho các Phật tử sử dụng. Xong xuôi hết mọi việc, khoảng bốn giờ sáng là sư cô vào lại thất nên người nào muốn gặp cũng rất khó.

Ở vị trí khu B1 bây giờ, ngày trước là cái thất của một vị sư hệ phái Khất sĩ cũng xuất thân từ làng cô nhi Long Thành. Sư nhập thất ba tháng mười ngày không ăn, chỉ uống nước chanh đường. Chính thầy là người đem cúng nước, đường và chanh cho sư. Nước thì mỗi ngày thầy đem một ấm khoảng bốn lít, đường thì mỗi lần đem ra một ký và năm đến mười quả chanh, khi hết thì đem ra tiếp. Tuy sư không ăn chỉ uống nước chanh đường nhưng vẫn khỏe, đi lại bình thường, không có biểu hiện gì là mệt mỏi hay mất sức. Thời đó, phải nói rằng, sư cụ rất quan tâm đến việc hỗ trợ và khuyến khích những người nhập thất tu. Cho nên, mới có những vị khất sĩ về thuyết pháp rồi ở lại tu tập hoặc những vị đến xin nhập thất chuyên tu.

Hiện tại, cơ sở vật chất do Hòa thượng khai sơn xây dựng đều không còn, những công trình quý vị thấy bây giờ là do thầy xây dựng về sau. Thậm chí, những cây ngài trồng, chỉ còn sót lại cây me sau nhà bếp, hai cây ngọc lan bên sau chính điện và cây bồ đề phía trước chùa. Khi thầy tới đây thì cây me đã lớn, khoảng hơn mười năm tuổi rồi. Thầy trải qua bốn mươi lăm năm sống ở chùa, cây me đó giờ cũng đã hơn năm mươi lăm tuổi. Như vậy, người và cảnh chùa đã thay đổi toàn bộ. Về con người, Hòa thượng khai sáng không còn, sư cô Hai, sư cô Ba, sư cô Năm cũng thế; chỉ có hai sư cô còn sống, hiện đang ở chùa Hoằng Pháp, sư cô Thiện Hồng là chị và sư cô Thiện Thảo là em, còn chư Tăng và Phật tử ở chùa hiện tại đều là người mới.

Khi thầy bước chân vào chùa là năm mười lăm tuổi, bây giờ đã sáu mươi tuổi. Về tên gọi, mới vào chùa, người ta gọi thầy bằng tên đời là chú Cường, sau đó gọi là chú tiểu. Khi tu một thời gian, người ta gọi mình là Đại đức, giờ là Thượng tọa. Ba năm nữa, thầy sẽ lên Hòa thượng, không lâu sau sẽ lên cố Hòa thượng. Chắc chắn là như vậy. Ngoài đời cũng thế. Một đứa trẻ mới sinh, người nữ gọi là bé gái, lớn lên một chút gọi là em, lớn lên nữa gọi là chị, rồi đến cô, thím, bác, bà, cụ cuối cùng thành cố. Người nam mới sinh gọi là bé trai, lớn lên một chút gọi là em, lớn lên nữa gọi là anh, rồi đến chú, bác, ông, cụ cuối cùng là cố. Khi mình sinh ra gọi là hài đồng, rồi tới hài nhi, thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên, lão niên rồi cuối cùng cũng đến cố. Chúng ta đi học bắt đầu từ lớp mầm rồi đến chồi, lá, lớp một, lớp hai,… cho đến lớp mười hai, đại học. Nói cho gọn là tiểu học, trung học, đại học, rồi cao học, tiến sĩ đó là một trình tự. Khi tu cũng thế, tu thiền định thì có sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền… Con người và vạn vật trên thế gian đều phải tuân theo quy luật: con người thì sinh, già, bệnh, chết; vạn vật thì thành, trụ, hoại, không. Chùa Hoằng Pháp mấy chục năm về trước không giống chùa Hoằng Pháp của thời điểm hiện tại và sau này, mấy mươi năm kế tiếp cũng sẽ thay đổi, không có gì là bền vững mãi mãi. Những người sống ở thời sư cụ, nhìn đi nhìn lại giờ chẳng còn mấy ai, thầy rồi cũng sẽ không còn. Đố quý vị, giờ thầy ngồi đây, trong tương lai thầy sẽ ngồi chỗ nào? Đúng rồi, ngồi trên bàn thờ. Quý vị cũng như vậy, không ai tránh khỏi sự việc này.

Những chuyện thầy kể cho quý vị nghe, chính là thầy đang tâm sự về cuộc đời tu hành của mình. Từ khi thầy bước chân đến ngôi chùa này xuất gia tu học, mới mười lăm tuổi, bây giờ đã sáu mươi. Thời gian làm thay đổi tất cả, từ một chú tiểu giờ đã gần như một ông già, không biết thầy sẽ sống được bao lâu, bảy mươi, tám mươi... hay một trăm tuổi, chuyện đó không thể biết. Nhưng có một điều, thầy và quý vị đều biết rất rõ, là mạng sống chỉ trong hơi thở. Có thở vào, thở ra là còn sống, một mai hơi thở không còn là chết, nên không ai chắc chắn mình sống tới ngày nào. Thầy có làm mấy câu lục bát:

Nếu ai chắc sống tới già
Bây giờ còn trẻ cứ tà tà tu
Nếu ai sống chết mịt mù
Bây giờ tu gấp chớ tu tà tà.

Thầy thường nói vui, nếu biết chín mươi tuổi mình chết thì khoảng tám mươi tám tuổi gấp rút tu hành cũng được. Trên thực tế, không ai có thể biết như vậy! “Nếu ai sống chết mịt mù. Bây giờ tu gấp chớ tu tà tà”, nghĩa là, ngày hôm nay mình còn sống, không biết chết lúc nào, hãy cố gắng tu tập, làm được điều gì tốt thì cố gắng làm, thời gian không hẹn chúng ta bao giờ.

Sống ngày nay biết ngày nay
Còn tương lai tới ai hay biết gì.

Thầy xin dẫn chứng cho quý vị nghe một thông tin trên báo. Vừa rồi, một chiếc xe container chạy ở trên đường đoạn Bến Lức, Long An lao thẳng vào những xe máy đang dừng đèn đỏ. Trên đường có hai làn xe, làn bên trong dành cho xe hai bánh, làn bên ngoài dành cho ô tô. Chiếc xe đầu kéo đang chạy ở làn ô tô, tới ngã tư không hiểu sao lại lách vào làn xe hai bánh, đâm vào những chiếc xe máy đang dừng đèn đỏ làm cho nhiều người chết và bị thương nặng. Sau khi xảy ra tai nạn, công an khám xét và phát hiện tài xế lái chiếc container có nồng độ cồn cao, nghe nói ông mới ăn tiệc cưới, uống rượu rồi lái xe. Cơ quan điều tra còn nghi ngờ ông này vướng vào heroine, người nghiện như thế mà lái xe rất nguy hiểm. Uống rượu say rồi điều khiển xe làm sao đủ tỉnh táo, sáng suốt! Mạng sống con người quả thật quá mong manh. Những người đi xe máy thực tế không vi phạm luật giao thông gì, cũng không nghĩ rằng hôm nay mình ra đường sẽ chết. Khi coi clip được người ta quay lại, thầy thấy đây đúng là nghiệp, nghiệp quả tới phải trả, không thể nào tránh được. Tất cả chúng ta là Phật tử, hiểu được giáo lý vô thường, ngày nào còn đi chùa nghe pháp, tụng kinh; ngày nào còn có thể làm được những điều thiện, tốt đẹp cho mọi người thì hãy cố gắng làm, không nên hẹn. Cuộc đời này không thể hẹn trước. Thật sự, không có ngày mai.

Trong quá trình thầy xuất gia tu học và được như ngày hôm nay, trước hết phải cảm ơn đến toàn thể quý Phật tử đã về đây tu tập, cũng như giúp đỡ ngôi chùa Hoằng Pháp mỗi ngày một phát triển. Vừa rồi, thầy có tổ chức buổi lễ “Tri ân đệ tử”. Khi nghe tên buổi lễ, mọi người có thể ngạc nhiên. Vì xưa nay, người ta tri ân thầy cô giáo, cha mẹ và những bậc có công với đất nước… Bây giờ, thầy làm lễ “Tri ân đệ tử”, có vẻ hơi ngược đời nhưng thực chất lại mang đầy tính nhân văn. Sở dĩ ngày hôm nay, thầy đủ duyên xuất gia tu hành, làm được những việc lợi ích cho Phật pháp, cho mọi người đều nhờ các đệ tử và Phật tử, chỉ một mình thầy không thể nào làm được. Thí dụ, giám đốc công ty là người điều hành, nhưng không có công nhân, không thể thành công. Một vị tướng dù có giỏi cách mấy, nhưng không có quân lính cũng không thể đánh trận chiến thắng. Thầy cũng vậy, từ khi xuất gia đến bây giờ, không làm gì ra tiền, tất cả nhờ quý Phật tử chung tay góp sức. Một năm, chùa Hoằng Pháp có rất nhiều lễ: lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ Giỗ Tổ, lễ Kỷ Niệm Đức Phật A Di Đà, lễ Quy Y Tam Bảo,… Các khóa tu như: Khóa tu Phật thất, Khóa tu mùa hè, Khóa tu sinh viên, Khóa tu thiếu nhi, Khóa tu một ngày,… Những ngày lễ, khóa tu ấy với số lượng trên cả trăm nghìn người về tham dự trong một năm, liệu một mình thầy có làm nổi không? Không thể! Phải nhờ đến đệ tử và Phật tử, người góp công, người góp sức, góp tiền của mới được. Như vậy, mọi thành công của chùa Hoằng Pháp đều có sự chung tay góp sức của mọi người. Vì lẽ đó, nên thầy phải tri ân tất cả.

Để giải thích vấn đề này, thầy có làm một câu: “Bác sĩ cứu bệnh nhân. Bệnh nhân cứu bác sĩ”. Quý vị nghe có lạ không? Bác sĩ cứu bệnh nhân là chuyện đương nhiên, thế nhưng tại sao bệnh nhân lại cứu bác sĩ? Hãy ngẫm nghĩ thật kỹ, không có bệnh nhân, bác sĩ khó mà sống được. Vì có bệnh nhân nên mới có bác sĩ, không có bệnh nhân, bác sĩ chữa trị cho ai? Không ai chữa bệnh, bác sĩ cũng không lấy gì để nuôi sống mình. Vì thế, cuộc sống là mối tương quan tương duyên với nhau, hỗ tương lẫn nhau, không ai có thể tồn tại độc lập. Chúng ta hiện diện ở đây là nhờ rất nhiều nhân duyên cùng nhau góp mặt. Nhờ người nông dân cày cấy, nhờ người công nhân dệt vải, nhờ biết bao người tạo ra của cải vật chất chúng ta mới có thứ để tiêu dùng. Ngoài ra, không có nước, không khí, đất và hơi nóng của mặt trời, chúng ta cũng không thể tồn tại. Cho nên, thầy quyết định chọn ngày 31 tháng 12 dương lịch hằng năm để tổ chức buổi lễ “Tri ân đệ tử”. Xưa nay, người ta tôn vinh thầy cô, tôn vinh những bậc có công, tôn vinh cha mẹ, ít ai tôn vinh người dưới, thế mà thầy lại làm. Có lẽ, đây là buổi lễ độc nhất vô nhị từ trước đến giờ. Thầy hy vọng, buổi lễ sẽ được các chùa hưởng ứng và không những thế, sẽ lan tỏa đến xã hội, biết đâu năm, mười năm sau, ngày 31 tháng 12 là ngày “Tri ân đệ tử” giống như ngày 20 tháng 11 là ngày “Nhà Giáo Việt Nam”, quý vị đồng ý không? Vì buổi lễ mang ý nghĩa rất nhân văn, là tri ân và tôn trọng người dưới. Người giám đốc, người thầy, người chủ biết tổ chức lễ đó thì giám đốc không cống cao ngã mạn, hiếp đáp nhân viên; người thầy thì khiêm hạ, tôn trọng học trò, đệ tử; người chủ không khinh thường, bạo hành đầy tớ. Trên thực tế chúng ta thấy, đa phần giám đốc rất kênh kiệu, tự cao tự đại, ỷ mình làm lớn, không xem người dưới ra gì. Nhưng nếu ông giám đốc hiểu được điều này, tổ chức buổi lễ thì thầy nghĩ, ông ta sẽ bớt đi tính cống cao ngã mạn. Người thầy hay người chủ cũng thế. Nếu nói về Phật tính, ai cũng có khả năng giác ngộ thành Phật. Thầy cũng có khả năng thành Phật, đệ tử và tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật, đều bình đẳng như nhau.

Hôm nay, thầy cũng xin nói lời tri ân đến tất cả quý Phật tử. Trong thời gian qua, từ khi thầy bước chân vào ngôi chùa Hoằng Pháp xuất gia cho đến bây giờ, được như ngày hôm nay cũng nhờ vào các đệ tử và Phật tử mà thầy tồn tại, làm được những Phật sự. Một lần nữa, thầy rất tri ân và cũng gửi lời chào tạm biệt đến tất cả. Nếu vô thường đến thì gửi lời chào vĩnh biệt. Đây là sự thật! Bởi vì, thầy hiếm khi có dịp tiếp xúc với quý Phật tử, có thể sau lần gặp này, quý vị sẽ không còn thấy thầy nữa, không ai biết trước được điều gì. Nghe có vẻ buồn nhưng là sự thật. Thầy phải nói trước để sau này có tạm biệt hay vĩnh biệt thật sự thì không ai còn phải băn khoăn hay thắc mắc gì về sự vắng mặt của thầy. Đây là buổi nói chuyện cuối năm, cả dương lịch lẫn âm lịch và cũng là gần cuối đời của thầy. Có hai vấn đề quan trọng trong buổi nói chuyện hôm nay, thứ nhất là nói lời tri ân, thứ hai là nói lời tạm biệt, vô thường đến thì là lời vĩnh biệt. Thầy mong rằng những gì thầy tâm sự, quý vị cố gắng hiểu để thấy được sự vô thường, đồng thời nhắc nhở mình cố gắng tinh tấn tu tập. Cuối lời, thầy kính chúc tất cả quý Phật tử và gia quyến luôn được an vui, hạnh phúc, tinh tấn trên con đường tu học Phật pháp.

Sách cùng thể loại
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Thích Chân Tính
Nhìn lại
Nhìn lại
Thích Chân Tính
Lời Nhắn Nhủ
Lời Nhắn Nhủ
Thích Chân Tính
Tặng Phẩm Xuân 2020
Tặng Phẩm Xuân 2020
Thích Chân Tính
Lộc ai cho?
Lộc ai cho?
Thích Chân Tính
Nụ cười Di-lặc
Nụ cười Di-lặc
Thích Chân Tính