Chó rừng và Sư tử
Vào khoảng năm 1998 tôi có lời phát nguyện, nếu còn sống đến 60 tuổi; tức là vào năm 2018, tôi sẽ tạm ngưng các Phật sự để nhập thất đọc kinh Nikāya. Và thật là đầy đủ phước đức, tôi vẫn còn hiện hữu trên cuộc đời này đúng như lời phát nguyện. Tôi đã thu xếp mọi Phật sự và bắt đầu nhập thất đọc kinh Nikāya vào mùng 08 tháng 12 năm Mậu Tuất (ngày 13 tháng 01 năm 2019). Trong khi đọc kinh tôi rất hoan hỷ và biết ơn đức Phật đã để lại cho thế gian một kho tàng giáo pháp quý giá, nhờ đó mà tôi được khai mở tâm trí và học được rất nhiều điều hay. Tôi cũng rất biết ơn mọi nhân duyên hỗ trợ tôi trong suốt thời gian đọc kinh. Đặc biệt là chư Tăng và Phật tử chùa Hoằng Pháp đã gánh vác mọi công việc nội tự để tôi được an tâm khi nhập thất.
Sau đúng bốn tháng, tôi đã đọc xong năm bộ kinh Nikāya là: Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ. Thật ra việc đọc kinh của tôi không phải để ghi nhớ mà là ghi chép, cho nên mới nhanh như thế. Vì tôi biết lời Phật dạy trong kinh không thể đọc một lần mà có thể hiểu hết được. Vả lại, tôi đã bước qua tuổi sáu mươi mốt rồi nên trí nhớ cũng theo đó mà giảm, cho nên chỉ có cách là tóm lược đại ý những bài kinh đã đọc ghi vào cuốn tập, sau này khi có vấn đề gì cần thì tìm vào đó.
Trong lúc đọc kinh Nikāya, tôi thấy những lời đức Phật dạy quá hay, trí tuệ Phật quá siêu việt, phương pháp Phật dạy tu tập rất rõ ràng, đem lại lợi ích rất lớn cho những ai thực tập đúng Chính pháp. Bộ kinh là một kho tàng trí tuệ quý giá mà đức Phật đã ban tặng cho nhân loại. Người xuất gia lấy trí tuệ làm sự nghiệp mà cả đời không thưởng thức được những pháp vị này thì thật là uổng phí một đời tu. Tuy nhiên, tôi biết có rất nhiều Tăng Ni trẻ thao thức muốn đọc bộ kinh Nikāya hoặc bộ kinh A Hàm, nhưng vì hoàn cảnh và điều kiện không thuận lợi nên khó thực hiện được. Bản thân tôi là một minh chứng, lúc ở chùa quá nhiều Phật sự không có thời giờ và cũng khó tập trung để đọc. Nếu tôi không tạm dừng các Phật sự để nhập thất thì cũng khó mà thực hiện việc đọc trọn bộ kinh Nikāya. Từ đó, tôi khởi lên ý nghĩ muốn giúp các Tăng Ni có nguyện vọng đọc bộ kinh Nikāya hoặc bộ kinh A Hàm này. Tôi phát nguyện sẽ tổ chức lớp đọc kinh Nikāya hoặc kinh A Hàm, và tuyển sinh mỗi năm khoảng một trăm Tăng Ni. Tôi sẽ phát tâm ủng hộ mọi chi phí trong thời gian bảy tháng, Tăng Ni chỉ việc tập trung lo đọc hết bộ kinh không phải bận tâm việc gì. Nếu đủ duyên, mỗi năm tổ chức một lần cho đến khi mãn đời tôi. Đây mới chỉ là tâm nguyện của tôi, còn thực hiện được hay không đòi hỏi rất nhiều ngoại duyên khác. Tôi hy vọng mọi việc sẽ thuận duyên và diễn ra như ý muốn.
Theo tôi nghĩ, hiện nay số Tăng Ni trong cả nước đọc hết bộ kinh Nikāya hay bộ kinh A Hàm chỉ khoảng năm phần trăm, con số này quá ít. Tôi mong muốn làm sao tất cả Tăng Ni phải đọc qua một lần một trong hai bộ kinh trên, dù chưa hiểu hết lời Phật dạy, nhưng cũng có cái nhìn đúng về Phật pháp và tương lai Phật giáo Việt Nam nhờ đó mà phát triển. Vì Tăng Ni là bậc thầy hướng đạo cho Phật tử tại gia, thầy hiểu sai thì dạy sai, hiểu đúng thì dạy đúng. Hai bộ kinh này là nền tảng của Phật pháp, sẽ giúp cho Tăng Ni hiểu đúng và hành đúng Chính pháp.
Để đáp lại công ơn của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử gần xa đã hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất, tôi soạn cuốn sách này dâng lên chư Tôn đức Tăng Ni, gửi tặng đến quý Phật tử như một món quà tri ân. Tất nhiên vì đọc kinh Nikāya nên tôi cũng dựa vào tinh thần lời Phật dạy trong kinh Nikāya trích dẫn ra, không phải do mình tác giả. Thật ra, trong tập sách này chỉ có hai bài viết, còn lại là biên chép từ các bài giảng của tôi từ lúc trước và trong khi nhập thất. Những bài pháp thoại đó, tôi có dùng từ “thầy” nói với đệ tử nên xin được phép vẫn giữ nguyên. Mong độc giả hoan hỷ thông cảm, tôi không có ý xưng thầy với quý vị.
Tất cả bài kinh Nikāya trích dẫn trong sách này đều căn cứ vào bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền do Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành quý IV năm 2017. Khi trích dẫn, tôi có tóm lược lời kinh cho gọn để dễ đọc. Nếu độc giả cần nghiên cứu thì nên đọc trực tiếp vào nguyên bản sẽ đầy đủ hơn.
Chắc có lẽ độc giả cũng thắc mắc vì sao tôi lại lấy tựa đề là “Chó rừng và Sư tử” cho cuốn sách này? Vì tôi thấy câu chuyện con chó rừng và sư tử được đức Phật nói trong kinh Ba Lê, thuộc kinh Trường Bộ rất hợp với ý tôi muốn gửi gắm trong sách. Nếu độc giả muốn biết nội dung câu chuyện như thế nào, xin đọc qua cuốn sách này sẽ rõ.
Trong sách có chín đề mục là chín bài pháp khác nhau. Độc giả mở trang mục lục xem tựa đề bài nào thích thì đọc, nếu có thời gian đọc hết cuốn sách càng tốt. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của độc giả!
Ngày 10 tháng 07 năm 2019
Thích Chân Tính