Bức Thư Gửi Phật
A-di-đà Phật!
Gấp lại toàn bộ sách vở, con về đây trong ngày mưa gió hoang hoải, sau khi một kỳ thi dài ngoằng, sau những ngày lục đục trèo nắng đèo mưa quyết lấy cho mình một tương lai, sau khi bỏ lại trời Đất Mũi kéo mây đục ngầu. Cốt chỉ để cho thân mình được nghỉ.
Con biết có vài điều sẽ trở thành hoang đường khi về đây, về với khoá tu mùa hè dành cho sinh viên, mà vẫn giữ bản tính ngông cuồng của mình. Trong bảy ngày bắt con quên hết niềm vui, sắc màu bên ngoài còn khó hơn việc bắt mặt trời trong một ngày phải mọc đến hai lần.
Con chưa từng có thói quen sướt mướt, chưa bao giờ gửi tâm sự cho người bên cạnh, càng chưa hề suy nghĩ nhiều đến mọi thứ diễn ra xung quanh. Nhưng bây giờ thì lại khác, con không thể nào dừng nghĩ đến khoảng thời gian khó khăn vừa qua, không thể sống cùng, lại càng không thể buông bỏ.
A-di-đà Phật!
Chấp nhận mình bị liệt nửa người, nằm suốt trên giường bệnh, đối với con không phải là chuyện dễ dàng. Cũng như chẳng ai khoẻ mạnh lại muốn mình qua đời, chẳng ai đầy đủ lại muốn mình thiếu thốn. Nhưng, hình như mọi việc đều nằm vào guồng quay mang tên “số phận” và nghiễm nhiên mọi thứ trở thành “phép thử”. Con thử đặt chân lên xe lăn, thử yên vị trên giường bệnh, thử ăn uống tắm giặt đều nhờ vào hai tiếng “mẹ ơi”, thử làm quen với mọi việc chỉ dành riêng cho bản thân mình và thử cả việc điều chỉnh hơi thở của mình vào người đối diện. Cách mọi người, mọi vật nhìn con cũng khác. Con cố gắng đứng dậy nhưng vô cùng bất lực. Còn lòng ghen tỵ và ganh đua cứ luôn trỗi dậy mạnh mẽ. Giờ đây, con ghen tỵ với tất cả những ai có thể đứng dậy lành mạnh.
Vào những ngày tháng ấy, mọi việc vô cùng cực nhọc và khó khăn! Dường như, hai tiếng “mẹ ơi” cũng trở nên nặng hơn, nặng với mẹ, nặng với ba và nặng đối với bản thân con. Drap trải giường ở bệnh viện trắng muốt, từng mũi thuốc được tiêm vào người, những dòng nước mắt của mẹ gấp rút lăn khỏi gò má, và đôi mắt mẹ bao giờ cũng đỏ hoe. Mọi thứ chỉ làm con cảm nhận được rằng mình đang dần dần trở thành gắng nặng của mẹ, của ba. Bấy nhiêu điều đó chưa đủ, nỗi đau có dừng lại với con đâu...
Di căn của bệnh chuyển biến xấu đi, gia đình phải đưa con chuyển viện. Con được đưa vào Tp. Hồ Chí Minh trong tình trạng nửa cơ thể sưng tấy lên và không tiếp nhận được dịch truyền. A-di-đà Phật! Chưa có đau đớn nào đầy ắp như nhìn từng người mình thương yêu đau khổ. Nỗi đau đó vòi vọi như đỉnh Thái Sơn, nỗi xót xa đó đong đầy dòng nước mắt Thái Bình. Ai từng một lần trải qua sự đau đớn của cả thân xác và tinh thần khi nằm bất động, không thể ôm mẹ, cũng không thể nói chuyện với ba, thì mới hiểu có những “mất mát” không đơn giản là mất mát một người nào đó, mà lớn hơn nữa là mất mát chính mình. Con mất đi tự chủ và không thể nào kiểm soát nỗi đau của chính con. Tuổi trẻ của con sao có thể nằm mãi như thế? Sao có thể nhìn mãi màu áo trắng phau của bác sĩ? Sao có thể nhìn mãi hốc mắt ba mẹ dần chuyển màu sẫm lại? Viết đến đây, nghĩ lại lúc đó, nỗi đau ấy vẫn nguyên trong con như thuở ban đầu.
Mẹ từng bảo với con: “Cuộc đời chẳng khi nào lại mưa mãi”. Ba lại nói: “Có ai khổ mãi bao giờ”. Con chắc cũng từng tin vào điều đó. Sau cơn mưa - mưa nào cũng thế - bầu trời sẽ lấy lại hào quang của mình thôi. Hơn hai tháng sau, chính xác là 68 ngày từ khi nằm viện, con nhận được kết quả xét nghiệm tổng quát về tuỷ, máu, thần kinh và điện tâm đồ. Con phải điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ. Chỉ đơn giản là kết quả thôi. Nhưng con vẫn không được biết.
Ngày đầu tiên...
Ngày đầu tiên sau tất cả mọi ngày, bầu trời với con mang màu sáng. Ngày đầu tiên sau 17 năm con bắt đầu lại cuộc đời mới. Ngày đầu tiên con tập đi, đứng, ngồi, kể cả cầm bát, đĩa... Một ngày đầu tiên trong năm con 17 tuổi. Nhưng, đấy cũng là ngày cuối cùng con nhìn thấy “người thương”.
Anh mất sau khi con chuyển sang khoa Vật lý trị liệu một ngày. Nhưng đến tận 10 ngày sau con mới nhận được tin báo. Khi ấy, con hoàn toàn tin giấc mơ là điều có thật. Anh mất bởi một tai nạn nghề nghiệp. Và mãi cho đến về sau, con vẫn luôn không hiểu tại sao “người dưng” mà lại tốt với con đến thế. Con sẽ không nói thêm về những điều mình nghĩ, nhưng ai đã từng chịu sự mất mát và lớn hơn cả sự mất mát, sẽ hiểu chuyện vượt qua không phải là chuyện một sớm một chiều, mà có vượt qua cũng chưa hẳn sẽ dung hoà hết, cân bằng hết mọi sóng gió.
A-di-đà Phật!
Hơn một tuần sau khi hay anh mất, con vẫn thường gọi nhầm mẹ là “anh”, bởi vì cũng như thế, mẹ cũng nắm chặt con lại mỗi khi tiêm thuốc và đỡ con ngồi vào ghế xe lăn. Từ đó đến nay, giá trị của “người thương” chưa lần nào mờ nhạt, chưa lần nào trở thành nỗi ám ảnh. Cả anh và con chưa một lần bày tỏ, chưa một lần phải nói yêu thương nhau, chỉ hiểu nhau qua những thông điệp của cuộc đời.
Cơ thể con hồi phục được 30%, con đã có thể tự trở mình, tự ăn cơm, tự lau mặt, mặc dù đôi khi rơi cả nước mắt. Chuyện ở phòng tập, chuyện cười ở bệnh viện, đã dần mang nắng trở về. Rồi, lần đầu tiên trong suốt mấy tháng ròng đau đớn, mẹ vui hơn khi nhận được phiếu trả lời kết quả: chỉ số hồi phục lên đến 60% và con hoàn toàn có thể dùng liệu pháp của máy kéo xương để gân cốt trở lại bình thường. Con tập viết, tập đứng thẳng, tập nâng bát cơm, vẫn đau nhưng mỗi khi nhìn lại mẹ, ba, và mỗi khi mơ, trong con lại có tiếng vọng: “Em bao giờ cũng được chở che”. Điều đó khiến tâm can con đau đáu trở lại, sống trở lại, mỉm cười trở lại, dù có khi nước mắt con vẫn tuôn rơi.
Con về lại Cà Mau trong tình trạng phục hồi 85% cơ thể. Trên đường về xe, con ngã chính xác là 16 lần và 3 lần rơi nước mắt vì đau. Theo phác đồ, con vẫn tập vật lý trị liệu. Ngày kết thúc căn bệnh và di căn quái gở, con đã đến mộ anh và khóc nức nở. Về sau, con vẫn ngộ nghĩnh cho rằng đó là nước mắt bù vào những tháng ngày đã đi qua, cho những điều đã từng không thể khóc được.
A-di-đà Phật!
Thời gian ấy con có mẹ, có ba, có cả gia đình và đôi khi có cả người thương trong suy nghĩ, trong tiềm thức. Dù ít, dù nhiều thì đau đớn cũng vẫn mãi là đau đớn, và có nhiều lần nỗi đau sống lại, tồn tại ngay trong lồng ngực của con. Người ta nói rằng, nỗi đau nào cũng dần dần mai một theo thời gian. Nhưng, để nó mất đi, con phải sống như thế nào đây?
A-di-đà Phật!
Khi con bắt đầu viết lá thư này, mẹ của con đã rời chùa trở về gia đình sau những ngày làm công quả. Toàn bộ câu chữ là tất cả nỗi đau, nỗi buồn, nỗi sợ hãi mà con đã phải trải qua. Sau mọi điều, con luôn cầu mong mọi việc được ngủ yên, để sóng đời thôi xôn xao từng đợt. Đối với con, mẹ không đơn giản chỉ là “mẹ”, không đơn giản như tất cả, mà đã tồn tại vĩnh cữu trong bản thân con và chính cuộc đời con.
Chúng ta vẫn phải sống tốt và sống tiếp mặc cho bao nhiêu bầu trời đã ở lại phía sau...
Nguyễn Ngọc Bảo Trân - Cà Mau