Bức Thư Gửi Phật
Nam mô A-di-đà Phật!
Kính gửi đức Phật!
Để viết bức thư này gửi đến Ngài, con đã phải suy nghĩ rất nhiều. Những dòng suy nghĩ như những thước phim lộn xộn chưa bao giờ dừng lại trong tâm trí con. Nhờ phước đức của Ngài, con nhận ra rằng, con không thể mất cơ duyên để được Ngài soi sáng tâm trí, để Ngài giết chết con ma sợ hãi trong con.
Kính thưa Ngài, con nhận thấy con không giống với bao người khác, bởi con chưa bao giờ sống trong thương yêu và lòng biết ơn, mà cuộc sống của con luôn bị bao quanh bởi bóng tối của sự sợ hãi. A-di-đà Phật! Đã là người ai mà không có những nỗi sợ hãi. Nhờ biết sợ mà loài người mới không dám làm điều nguy hiểm, không dám làm hại chính mình; ngược lại, biết tu tâm dưỡng tính để cuộc sống của mình gặp được nhiều tốt đẹp. Nhưng cái gì cũng vậy, nhiều quá đều gây hại; và với con, sự sợ hãi thái quá đã làm con gần như “tê liệt”, không dám sống cuộc sống của chính mình.
Kính bạch Ngài, con hiện là sinh viên và sống trong ký túc xá. Đáng lẽ, đó là cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc mà nhiều người được một lần trải qua trong đời. Thế nhưng, sự sợ hãi đã làm con không tận hưởng được những hạnh phúc bình dị đó. Chỉ cần có người đến gần là trong con lại dâng lên sự sợ hãi kỳ lạ, làm con không suy nghĩ được gì cả, không biết làm thế nào để nói chuyện với họ. Con sợ nhìn họ, sợ nói ra những suy nghĩ trong con. Con sợ mọi người sẽ nhìn thấy sự xấu xí, tầm thường của con và chê bai con. Trong đầu con không ngừng tua đi tua lại những suy nghĩ đó. Sự sợ hãi cứ ám ảnh lấy con. Nó như con ma với đôi mắt trừng trừng, nghiêm khắc ở phía sau con. Đôi mắt ấy cứ nhìn mọi việc con làm với mọi sự soi xét, chỉ cần con làm sai điều gì thì nhất định bị trừng phạt... Cái cảm giác đó khiến con thật sự mệt mỏi và nặng nề.
Con biết những sự sợ hãi của con là không có thật, là vô lý, là quá đáng, nhưng con không biết làm thế nào để thoát khỏi cái ám ảnh sợ hãi đó cả. Nhiều lúc, nó khiến con không biết mình đang làm gì nữa, con cứ ngồi thừ ra đó, đầu óc trống rỗng. Hằng ngày, con giam mình trên giường ký túc xá, không dám bước ra ngoài. Khi có việc gì cần thiết, con phải lấy hết dũng cảm để bước ra, nhưng cảm giác sợ hãi cứ ngự trị trong con. Con sợ ánh mắt mọi người nhìn con, con sợ nhìn vào mọi người. Và để che giấu đi sự sợ hãi đó, để tỏ ra là mình mạnh mẽ, con cố gắng mang cho mình một khuôn mặt lầm lừ, lạnh lùng, đáng sợ... để không ai muốn đến gần con. Con cứ cô độc một mình cùng sự sợ hãi. Càng sợ hãi lại càng cô độc, càng cô độc lại càng sợ hãi. Từng có đêm, trong tâm trí con diễn ra cuộc nói chuyện của hai người xa lạ, và con lại sợ, tự nhủ rằng: “Liệu mình có bị điên?”.
Và chính sự sợ hãi lại khiến con có cảm giác như mình thật giả tạo. Vì con thấy mình cô độc, thấy mình cần lắm sự quan tâm của mọi người, nên khi có ai đó - những người làm cho con có cảm giác thân quen hơn là sợ hãi - đến với con, con lại gồng mình lên và cố gắng làm vừa lòng họ, làm những điều họ thích, đồng ý ngay với những gì họ nói mà chẳng chút suy nghĩ trước. Bởi vì, con sợ khi nói ra những suy nghĩ của mình, họ sẽ không thích, sẽ thôi ở bên cạnh con; con sợ những quan điểm của con là không đúng, là sai trái, khi nói ra người ta sẽ chê bai, đùa cợt. Nhưng, khi con tìm ra lý do để biện minh cho lý lẽ của họ, để phủ định và quên đi chính bản thân mình, con thấy mình tồi tệ biết bao!
Trong những tháng ngày miệt mài chạy theo bao nhiêu quan điểm của mọi người, như đứa trẻ lạc bơ vơ giữa muôn nẻo đường, con mới nhận ra tình trạng của chính mình. Sau một thời gian tìm kiếm thông tin, con nhận ra có nhiều người cũng gặp tình trạng như con. Chúng con mắc căn bệnh mà tâm lý học gọi là “ám ảnh sợ xã hội”. Chúng con đều là những người rất nhạy cảm, sợ tiếp xúc với người khác, và thường quan trọng hoá những đánh giá của người khác về mình. Nhiều bạn trong chúng con luôn thấy khổ sở với cuộc sống của chính mình.
Nay con viết bức thư này, cầu xin Ngài ban cho chúng con trí tuệ để nhận biết sự sợ hãi mà chúng con trải qua chỉ là những ám ảnh của một căn bệnh, cho chúng con sự sáng suốt để biết sống hạnh phúc cùng mọi người, cho chúng con sự bình an trong tâm hồn để cảm nhận tình thương yêu của những người thân bên mình, cho chúng con sự dũng cảm để vượt qua nỗi sợ hãi, cho chúng con lòng từ bi để hoan hỷ bỏ qua những vô ý gây tổn thương của những người xung quanh và để biết rằng họ cũng đang mang trong lòng những nỗi khổ, niềm đau của riêng mình. Và điều cuối cùng, con xin cảm tạ phước đức của Ngài cho con cơ duyên viết bức thư này.
A-di-đà Phật!
Nguyễn Huỳnh Ngọc Như - Bình Phước