Bức Thư Gửi Phật
Nam mô A-di-đà Phật!
Kính gửi đức Phật!
Hiện tại, con là sinh viên của trường Đại học Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh. Hôm nay, con về đây, tham dự khoá tu mùa hè với mục đích để tu tâm, nhìn lại bản thân và cầu nguyện cho mẹ con được nhiều sức khoẻ. Khi nghe được cuộc thi viết một bức thư gửi cho đức Phật thì con liền đăng ký ngay. Đối với riêng con, con không nghĩ đây là một cuộc thi mà là cơ hội để con nói lên những dòng tâm sự của mình mà từ trước tới nay con chưa bao giờ chia sẻ cùng ai. Và sau đây, con xin tâm sự về chính cuộc đời của mình. Một cuộc đời gặp nhiều khó khăn, trắc trở, một số phận bị khuyết đi tình yêu thương của cha. Khi nói lên điều này thì hai dòng nước mắt con như muốn ứa ra, con xót thương cho số phận của chính bản thân mình và hơn nữa còn xót thương cho cuộc đời của mẹ con, một số phận hồng nhan bạc mệnh.
Gia đình con có năm người, gồm mẹ và bốn anh em trai. Con có hai người anh cùng mẹ khác cha và một đứa em trai. Khi mẹ sinh được hai người anh của con thì người cha ấy đã bỏ gia đình, bỏ vợ con, đi theo người đàn bà khác. Một người cha đã ruồng bỏ hết tất cả trách nhiệm để đi theo danh lợi cá nhân. Kính thưa đức Phật! Người cha ấy có xứng đáng để con gọi hai tiếng “cha ơi” hay không?
Cuộc sống khó khăn dần dần đè nặng lên đôi vai của mẹ con. Và thời gian cứ thế trôi qua, đến một ngày, vì con đường tình duyên của mẹ chưa dứt, mẹ đã động lòng trước một người đàn ông khác, đó chính là cha của con bây giờ. Cha con đã có vợ, có gia đình riêng. Gia đình riêng của cha ở cùng làng với mẹ con. Khi mẹ quen cha con thì mẹ bị mọi người chửi mắng, khinh thường, nói mẹ con là người đàn bà đi cướp chồng của người khác. Nhưng biết làm sao được, đây là kiếp nạn về tình duyên mà mẹ con phải gánh. Khi sinh con và em trai của con, vì lý do riêng về gia đình, người cha thứ hai đã không nhận những đứa con rơi này. Một lần nữa, gia đình lại càng khó khăn hơn. Mặc dù rất thương yêu bốn đứa con nhưng mẹ đã phải đi tha hương, vào thành phố làm kiếm tiền, gửi về cho anh em chúng con ăn học. Một gia đình không có bóng dáng mẹ, không có hình ảnh cha, chỉ có bốn anh em nương tựa nhau mà sống. Sống trong một căn nhà lụp xụp, không biết đổ khi nào. Anh hai của con đã nghỉ học sớm, nhường cái chữ lại cho những đứa em thơ dại.
Con vẫn còn nhớ, cái ngày đầu tiên mình đến trường, các bạn bè đồng trang lứa được ba mẹ dẫn đi học, được mặc quần áo mới, mang giày dép mới, đeo cặp sách mới, còn mình vẫn là bộ đồ cũ hay mặc ở nhà cùng với cuốn vở được đựng trong túi nylon để tránh mưa. Và cũng chính cuốn vở ấy đã tác động đến tính cách của con, một con người trầm lặng, không thích nói chuyện cùng ai. Khi con đi học lớp một, mẹ đã nói cho con biết cha của mình, lúc ấy con rất sợ, vì một người đàn ông xa lạ bỗng dưng trở thành cha. Trong lòng thì như muốn gọi tiếng cha tha thiết mà từ trước tới nay ao ước được gọi, nhưng sao con không thể thốt ra lời. Một tiếng “cha” đơn giản mà sao khó gọi quá vậy? Thật trớ trêu thay!
Một ngày kia, con nhìn thấy cha chở một người con đến trường. Bạn ấy học cùng lớp với con. Con chỉ biết nhìn từ xa và xót thương cho số phận của mình. Mình cũng là con của cha, là máu mủ ruột thịt của cha, nhưng tại sao cha lại quan tâm, chăm lo cho những đứa con kia mà đối với mình thì không có bất kỳ sự quan tâm nào. Mình không được ăn một bữa cơm, được tặng một gói quà, hay đơn giản chỉ là một cái ôm và gọi hai tiếng “con ơi” từ người cha của mình. Lúc nhỏ, con chỉ ao ước được cha ôm trong vòng tay đầy tình thương yêu nhưng đó cũng chỉ là ước mơ mà thôi!
Tưởng chừng như cuộc sống ấy cứ bình lặng trôi qua. Nhưng có ai ngờ rằng, một ngày nọ, người cha mà trong lòng con ao ước được gọi ấy lại đến nhà của mẹ con trong tình trạng say men rượu. Ông ấy đánh đập mẹ con, đập phá những vật dụng trong nhà, còn xé cả những cái áo cũ mà mẹ vẫn hay mặc. Mẹ con chỉ biết khóc và ôm những đứa con của mình. Kể từ đó bao nhiêu sự tôn trọng và yêu quý về cha trong người con bỗng nhiên tan biến mất. Con chỉ biết hận người đàn ông ấy, đã không nuôi dưỡng mình dù chỉ một ngày mà lại còn đánh đập, hành hạ người mẹ yêu quý của mình. Con đã thề với lòng là không bao giờ tha thứ cho người cha vô trách nhiệm này.
Kể từ cái ngày đó, mẹ đã không đi làm trong thành phố nữa. Mẹ ở nhà nuôi dưỡng những đứa con thơ dại của mình. Mẹ đi làm những công việc mà tưởng chừng chỉ có những người đàn ông mới có thể làm được: mẹ đi phụ hồ, xách những xô hồ nặng trĩu trên đôi tay; mẹ đi làm mướn khi có người cần; khi đến mùa gặt thì mẹ làm tất cả những việc ngoài đồng, nào là gặt lúa, nào là gánh lúa... Mẹ đã làm những công việc mà chưa bao giờ thấy người phụ nữ nào làm. Nhìn những vết nứt nẻ trên bàn chân như muốn rớm máu, những vết chai sạn trên đôi tay và cả những vết nám trên khuôn mặt gầy gò của mẹ, lòng con như muốn xé ra từng khúc. Con rất muốn giúp mẹ nhưng tuổi còn quá nhỏ không đủ sức để san sẻ gánh nặng cho mẹ. Mẹ vừa là người cha luôn làm lụng công việc nhà, vừa là người mẹ luôn nấu cho con những bữa ăn rất ngon.
Vì gia đình quá khó khăn nên anh em con đã phải làm các công việc để phụ giúp mẹ. Hai anh của con thì đi làm mướn cho người ta, còn con thì ở nhà quét nhà, dọn dẹp và trông em. Con vẫn còn nhớ cái ngày con thi đậu vào trường đại học, con đem tờ giấy báo trúng tuyển về khoe với mẹ, trước mặt con mẹ vẫn luôn cười cười, nói nói, nhưng hằn sâu trong ánh mắt mẹ là bao nỗi lo: lo tiền để con có thể đi học, lo con vào thành phố không có ai thân quen để gửi gắm... Ngày con nhập học, mẹ đã vay mượn mọi người xung quanh số tiền để đóng học phí cho con.
Con đã cùng một người anh của mình vào thành phố, vào một nơi không ai quen biết. Hai anh em nhìn ai cũng lạ, cái gì cũng mới, không biết phải hỏi ai. Và cũng nhờ ơn trời, Phật, chúng con đã tìm được một căn nhà trọ cũ và ẩm ướt với giá thuê một triệu đồng một tháng. Nơi đất lạ, kiếm việc làm gì cũng không ai nhận, vì anh của con không có bằng cấp gì cả. Cuộc sống khó khăn, chật vật cứ theo hai anh em suốt một tháng. Cuối cùng, anh cũng đã xin được vào một xưởng may với lương tháng hai triệu. Mặc dù hai anh em bữa đói bữa no, nhưng khi gọi về cho mẹ đều cười và nói: “Chúng con ổn mà” để mẹ khỏi phải lo, vì mẹ đã quá vất vả rồi.
Con đường đại học của con cũng dần dần ổn định, con đã đi làm thêm vào ca tối trong một quán ăn. Mặc dù đang ở trong thành phố, nhưng lúc nào con cũng nhớ về mẹ, không biết mẹ có khoẻ hay không? Bệnh thấp khớp hay đau khi trời trở gió có đỡ hơn không? Con thương yêu mẹ bao nhiêu thì lại giận người cha thiếu trách nhiệm kia bấy nhiêu. Khi các bạn hỏi về cha mẹ của con thì con chỉ biết trả lời về người mẹ thân yêu của mình; còn về cha, con chỉ im lặng, không biết phải trả lời như thế nào. Nhiều lúc, con nghĩ mình nói cha mất rồi để cho qua chuyện, nhưng không thể nói được. Con rất sợ ai đó hỏi về cha của mình. Và cũng chính điều này đã ảnh hưởng đến tâm trí của con. Con chỉ thích nghe những bài nhạc trữ tình về mẹ. Còn mỗi khi nghe bài hát về cha thì trong tim con lại nhói đau, xót thương, tủi thân cho số phận của mình, cổ họng như muốn nghẹn lại, nước mắt như muốn ứa ra.
Hôm nay, con viết những dòng tâm sự này, kính gửi lên đức Phật, mong Người chỉ dạy cho con để con bước đúng hướng. Con phải đối diện với người cha thiếu trách nhiệm của mình như thế nào đây?
Nam mô A-di-đà Phật!
Lê Văn Tiến - Quảng Ngãi