Bức Thư Gửi Phật
Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!
Kính thưa đức Phật!
Con đã có một điều để trong lòng từ lâu nhưng không biết sẻ chia cùng ai cho thoả nỗi lòng mình. Con không dám nói với mẹ vì sợ mẹ buồn, cũng không dám tâm sự cùng bạn bè. Đến với khoá tu mùa hè như một nhân duyên và biết được quý thầy trong chùa có tổ chức cuộc thi “Bức thư gửi Phật” nên con mạo muội viết thư này gửi tới đức Phật, vừa để bày tỏ nỗi niềm, vừa xin một lời khuyên dạy để con làm theo cho phải phép.
Con sinh ra và lớn lên tại một vùng quê ở miền Bắc của Tổ quốc. Năm con hơn hai tuổi, vì kinh tế gia đình còn khó khăn, nên dù thương con còn nhỏ dại nhưng bố mẹ con vẫn buộc lòng để con lại cho ông bà chăm sóc để vào đất người (miền Nam) lập nghiệp. Cứ thế, con lớn lên trong sự quan tâm của bà, bao bọc che chở của ông. Có lẽ, vì xa bố mẹ nên từ nhỏ con đã biết tự lập. Nhưng, dù lớn lên với sự yêu thương của ông bà, con cũng không thể tránh nổi những lúc bản thân thấy tủi lòng vì thiếu vắng bàn tay mẹ và sự dạy dỗ của bố. Nhiều lúc con thèm khát tiếng gọi mẹ như những đứa trẻ hàng xóm, thèm nghe tiếng xe của bố đi làm về mỗi buổi chiều muộn, và không biết bao lần con đã bật khóc vì tủi thân. Con đã trách sao bố mẹ lại để con lại cho ông bà mà đi làm ăn xa, cả năm tới dịp lễ tết mới trở về một lần. Nhưng càng lớn, con càng hiểu hơn nỗi lòng người làm cha, làm mẹ phải để con lại mà đi làm ăn nơi đất người đớn đau nhường nào. Con buồn một, bố mẹ con buồn mười. Con tự trách bản thân mình nhiều hơn.
Chuyện cũng không có gì nếu không phải vô tình một lần con đọc được quyển nhật ký của mẹ. Quyển nhật ký là tất cả nỗi lòng của mẹ con từ khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng với bố con. Đọc quyển nhật ký con thấy trách bản thân và thương mẹ, hiểu mẹ nhiều hơn bao giờ hết. Suy nghĩ lạc hậu và cố hữu về vấn đề “trọng nam khinh nữ” của người miền Bắc nặng nề hơn người miền Nam, đặc biệt là những thế hệ ông bà con. Mẹ con là nạn nhân của suy nghĩ cố hữu này. Từ nhỏ, mẹ con không có bàn tay chăm sóc của bà nên cảnh “bố mẹ chia tay, anh chị em phải xa nhau” mẹ hiểu hơn ai hết. Cũng chính vì lẽ đó, mẹ muốn chúng con có đủ sự quan tâm chăm sóc của cả bố lẫn mẹ. Đây là động lực để mẹ níu kéo cuộc hôn nhân mà tưởng chừng có lúc phải dừng lại.
Ngày con học lớp 6, mẹ sinh thêm cho con một đứa em. Nhưng, nỗi buồn và sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt bà nội khi nghe cô y tá nói rằng đó là một bé gái. Mắt mẹ cũng buồn, nhưng có lẽ còn quá nhỏ dại nên con không hiểu thấu nỗi lòng mẹ. Ngày con học lớp 7, không khí gia đình rất ngột ngạt, căng thẳng vì ông bà luôn nhắc tới chuyện mẹ sinh thêm em trai để có người nối dõi. Bà dùng lời lẽ rất khó nghe và bản thân con chỉ biết ngồi khóc vì bất lực. Ông bà hay gọi điện vào Nam thúc giục bố mẹ con, nhưng khoảng thời gian đó bố mẹ con cũng xảy ra xích mích nên ít nói chuyện với nhau.
Đáng lẽ ra, bố con - người đầu ấp tay kề với mẹ, sẽ là nguồn động lực, nguồn động viên lớn nhất của mẹ. Nhưng không, khoảng thời gian đó, chính bố con lại làm mẹ con buồn rất nhiều. Bố cũng thấy nản vì mẹ sinh con gái, và thấy buồn trước lời ra tiếng vào của hàng xóm, nên bố sinh ra cờ bạc, không tu chí làm ăn, bao nhiêu tiền mồ hôi của mẹ bố đem đi nướng sạch vào những canh bạc đỏ đen. Bố mẹ chồng không thương, chồng không hiểu, nên mẹ con khổ tâm nhiều lắm! Còn con, lúc đó, chỉ biết trách mẹ: “Không ở được thì bỏ nhau, việc gì mẹ phải chịu khổ như thế?”. Có lẽ, tại bản thân còn quá nhỏ dại, nên suy nghĩ bồng bột và cũng không biết rằng tất cả điều mẹ làm đều vì con và em.
Đọc xong quyển nhật ký mà nước mắt con rơi lã chã. Con muốn xin lỗi mẹ nhưng thật khó để mở lời, là con vô tâm, hay là con vô tư tới đáng trách. Tự nhiên, con thấy bố con không còn “đẹp” như con từng nghĩ. Nhưng, ngẫm lại, con thấy ai cũng có một thời lầm lỗi, thấy bố con hiện tại đã toàn tâm lo cho gia đình, thấy không khí gia đình vui vẻ vì mẹ con mới sinh được một em trai nên ai cũng phấn khởi. Cho nên, con không trách bố con nữa và bỏ qua tất cả.
Nhưng gần đây, vì vô tình cầm điện thoại của bố nên con đã đọc được những lời lẽ bố tán tỉnh người khác. Con bàng hoàng và đau đớn. Vì bản thân là đứa con gái rất nghiêm túc trong chuyện tình cảm, con có thể tha thứ cho tất cả, nhưng lừa dối tình cảm thì không, cho dù đó là ai. Mẹ luôn nói rằng bố có tật nọ, tật kia vì chẳng ai hoàn hảo cả nhưng trai gái thì không. Mẹ tin tưởng bố nhiều lắm, nên con không dám nói chuyện này cho mẹ cũng như bất kỳ ai. Từ lúc biết chuyện, con thấy kinh sợ bố, con cũng hạn chế nói chuyện với bố tới mức ít nhất, trừ những lúc rất cần thiết bởi con thấy khó nói, khó mở lời và khó được tự nhiên như trước. Con muốn ngồi lại nói chuyện với bố về vấn đề này nhưng thật khó để nói ra, và con sợ nói ra rồi thì quan hệ giữa hai bố con sẽ không còn được như xưa, nên đến tận bây giờ con vẫn giữ im lặng và coi như không biết chuyện gì xảy ra. Con biết, với tính cách của mình, con sẽ không làm ngơ chuyện này, cũng không thể giữ im lặng được mãi, vì hai bố con ra vào gặp nhau hằng ngày (bây giờ con đã chuyển vào Nam sinh sống và học tập cùng bố mẹ). Nhưng, con sợ đến một lúc nào đó con nói ra và có những lời lẽ bất kính với đấng sinh thành. Con sợ mẹ sẽ biết chuyện, con không muốn để mẹ buồn lòng thêm nữa, không muốn mẹ phải suy nghĩ nhiều thêm nữa. Bây giờ, bản thân con không biết phải làm sao để cho mọi chuyện được tốt nhất, để mọi thứ và gia đình không bị xáo trộn thêm lần nữa.
Nỗi lòng thì nhiều mà lời lẽ, ngôn từ quá hạn hẹp, con mong rằng với những dòng tâm sự trên đức Phật đã soi rõ lòng con và sẽ cho con lời khuyên dạy để con làm theo cho trọn nghĩa, trọn đạo.
Nam mô A-di-đà Phật!
Nguyễn Thị Chung