Bức Thư Gửi Phật
Kính gửi đức Phật A-di-đà đại từ, đại bi!
Đây là lá thư đầu tiên từ đứa con còn lắm điều mê muội của đức Phật!
Hôm nay, con sẽ không kể về chuyện của mình mà sẽ kể cho Người nghe câu chuyện về cuộc đời của một người đàn ông, mà gần đây câu chuyện đó đã khiến con suy nghĩ và thay đổi rất nhiều.
Người đàn ông ấy đã thốt lên với mẹ mình qua điện thoại: “Má, có phải là má nhặt con từ sọt rác ra không? Má, có phải là má đã đẻ con ra không?”. Người đàn ông nói trong nghẹn ngào, đầy uất ức. Ánh mắt người đàn ông buồn lắm, ngay cả khi vui ánh mắt ấy đã mang sẵn một nỗi buồn.
Lúc tuổi đôi mươi, người đàn ông này đã tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình, vì tình yêu đó ông ấy đã bỏ cơ hội nghề nghiệp chức cao vọng trọng để trở về bên cô ấy. Và giờ đây, ông sống bên cô ấy - một người vợ thảo hiền - cùng với hai đứa con. Họ chung sống trong tiếng cười hạnh phúc!
Họ đến với nhau mặc cho sự cản trở, ngăn cấm của hai bên gia đình. Gia đình bên ngoại, tuy vậy, dần dần cũng nguôi ngoai rồi chấp nhận; còn bên gia đình nội nhất định không ưng thuận cho dù họ đã xe duyên vợ chồng. Nhất là người mẹ của ông, vì không chấp nhận cô gái đó mà lắm lúc khiến hai vợ chồng ông phải khổ. Gần một năm sau ngày cưới, cô gái hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Không như người ta, giai đoạn hậu sinh phải nghỉ khoảng hai tháng, vừa sinh xong cô đã phải để con ở nhà, ra đồng cấy lúa, làm cỏ... Những công việc mà lý ra những người ốm đau cũng không nên làm, huống gì là phụ nữ mới sinh nở. Vì những lời nói khó nghe của mẹ chồng, áp lực làm dâu và tính chịu đựng của mình, mà người phụ nữ đáng thương đó không lời qua tiếng lại, cắn răng xuống ruộng nước đầy bùn để làm việc. Người đàn ông tuy thương yêu vợ con nhưng cũng không biết phải làm gì ngoài những lời động viên mỗi tối. Ông cũng chẳng hơn gì, phải làm việc quần quật tối ngày. Nghề nông đồng ra đồng vô không nhiều, muốn mua gì cho vợ con cũng khó, vì mẹ ông cũng là người giữ tiền trong nhà. Tuy bị đối xử như vậy, nhưng vì chữ hiếu và lòng thành kính của mình mà hai vợ chồng đồng lòng làm việc, không ngại khổ nhọc, thương yêu, kính trọng cha mẹ mình.
Vài năm sau, họ có thêm một niềm vui: đứa con gái họ hết mực yêu quý ra đời. Vì suy nghĩ cho tương lai hai đứa con thơ, người đàn ông quyết định xa làng quê nghèo lên thành thị lập nghiệp. Quyết định đó lại một lần nữa bị bố mẹ ông không đồng ý và buông lời mắng nhiếc. Thời gian rồi cũng qua nhanh, từ hai bàn tay trắng tha phương cầu thực, hai vợ chồng cũng đã có công việc ổn định, con cái học hành tử tế. Xa quê hương, họ hay gọi điện về cho gia đình. Vẫn giận con, người mẹ ấy đã đôi lần không nghe máy, có nghe cũng vài câu cho xong chuyện. Bên cạnh đó, mỗi dịp lễ tết, người đàn ông không quên mua quà biếu cha mẹ. Đức hạnh và đạo hiếu của hai vợ chồng, đặc biệt là người đàn ông, khiến con vô cùng cảm phục.
Người mẹ già đã không hiểu lòng con mà còn gây nhiều đau khổ. Những quyết định to nhỏ trong đại gia đình đều không thông qua, không hỏi ý kiến con trai. Có những quyết định khiến người con trai một mực hiếu thảo, tôn kính mẹ mình ấy phải thốt lên câu nói đầy xót thương như thế. Khi người mẹ qua đời, người đàn ông từ phương xa trở về gặp mặt mẹ lần cuối. Trong lần về đó, người đàn ông đã khóc, khóc thật nhiều vì sự ra đi của người mẹ đáng kính và cũng khóc thật nhiều vì tủi thân mình. Người mẹ già trước lúc đi xa có để lại ba mảnh giấy, là lời nhắn nhủ gửi gắm cho ba đứa con của bà, ngoại trừ ông ấy. Ông không khóc vì bà không chia tài sản dành dụm cả đời của bà cho ông, ông khóc vì người mẹ trước lúc ra đi vẫn chưa tha thứ, vẫn không nghĩ đến việc tha thứ - dù chỉ một lần - cho đứa con tha phương ấy.
Người đàn ông không trách bà mẹ, ông chỉ cảm thấy tủi thân cho số phận mình. Ngược lại, ông còn trách bản thân không đưa bà vào thành phố trị bệnh sớm khiến bà ra đi như vậy. Mặc dù, theo con được biết thì khi bà mẹ còn sống, ông hết lần này đến lượt khác mời bà đi, nhưng đều bị bà chối từ, thất hẹn. Người cha của ông thấy rõ hoàn cảnh trước mắt mà khóc thương đứa con trai xa xứ. Trước khi rời quê, người cha đưa vào tay người đàn ông một ít tiền, bảo: “Đây là của ba cho thay má, má con không hiểu nhưng ba hiểu”. Người đàn ông khóc, đẩy tiền lại cho cha mình và nói: “Ba cho con thì con xin nhận, nhưng con cũng xin gửi lại ba để ăn uống, thuốc thang lúc tuổi già”. Ông còn mời cha qua giỗ mẹ thì đến nhà ông để ông được phụng dưỡng cha. Được biết, trong di chúc người mẹ đã gửi tiền và trách nhiệm chăm sóc người cha cho người anh hai, và dĩ nhiên người đàn ông ấy không cần phải có trách nhiệm gì.
Qua câu chuyện con đã giác ngộ được nhiều điều. Con hiểu được tấm lòng và sự hiếu thảo của người đàn ông có đôi mắt buồn ấy. Tuy cuộc đời có lúc không như ta mong muốn, nhưng vẫn phải sống với cái tâm thật trong sáng, không vì vật chất, tiền tài mà quên đi chữ tình chữ nghĩa. Gieo nhân lành ắt gặt quả ngọt. Gieo nhân ác ắt gặt quả đắng. Như câu chuyện về một đứa bé nói với cha mình khi thấy người cha bỏ sọt vứt ông nội mình xuống sông để không phải chăm sóc mà vướng tay vướng chân, đó là: “Cha vứt ông xong nhớ mang cái sọt về để khi lớn lên con lại bỏ cha vào đấy đem đi vứt”. Một câu chuyện xưa đầy thấm thía về luật nhân quả. Vậy thì, hiếu hạnh của người đàn ông kia rồi sẽ gặt được trái ngọt, hai đứa con ông sau này nhất định sẽ có hiếu với ông.
Trước kia con chưa hiểu chuyện, hay làm cha mẹ buồn phiền, lo lắng, cũng vì cái tội không chịu nghe lời cha mẹ dạy dỗ. Nay con đã lớn khôn, trải qua nhiều biến cố, mới biết cha mẹ quan trọng với cuộc đời con như thế nào. Đặc biệt, khi vào tham dự khoá tu mùa hè tại chùa Hoằng Pháp, con lại càng thấm thía nỗi khổ đau, lòng yêu thương vô bờ của cha mẹ dành cho mình, mà xưa giờ con phớt lờ, coi là chuyện thường, ai cũng có.
Khoá tu thực sự đã và đang làm cho con ngộ ra nhiều thứ. Hôm nay là ngày thứ ba ở chùa rồi, không còn lâu nữa con phải rời xa sư thầy, sư cô thân quý và các bài kinh mỗi buổi sáng tối. À! Nhắc đến đây mới nhớ, nhờ những bài kinh đó mà con đã thực sự chiến thắng bản thân mình. Trong gần một tiếng đồng hồ đó, con làm khó bản thân, không đổi chân, ngồi thẳng lưng và đọc kinh to rõ; đôi lúc con như muốn bỏ cuộc, nhưng lại tự bảo mình phải cố gắng hơn nữa, không vì nuông chiều mình mà yếu mềm bỏ cuộc. Những giọt nước mắt đã rơi nhưng con đã không bỏ cuộc. Nếu có ai đó đọc bức thư này, thì hãy một lần, ít nhất một lần, thử trải nghiệm như thế khi đọc kinh “Vu Lan” nhé! Sẽ là một cảm giác khó quên đối với bạn đấy, sẽ cực kỳ hưng phấn đấy... Hãy chiến thắng bản thân mình như tôi nhé!
Khoá tu đã cho con rất nhiều mà không hề lấy đi của con bất kỳ điều gì. Đã cho con ăn chay, cho con được sống chậm lại, sống với cái tâm của mình, và còn nhiều thứ khác nữa.
Từ sâu thẳm lòng mình, con thành tâm đội ơn đức Phật A-di-đà!
Nam mô A-di-đà Phật!
Trần Thị Ngân