Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Các bài viết
Ba điểm trọng yếu của đường tu căn bản đến giác ngộ
Cập nhật: 29/10/2010
Lời Tựa: Như thường lệ, sau thời cầu nguyện vào mỗi sáng tôi hay ôn lại những bài đã học thuộc của ngày hôm trước. Nhưng sáng nay sau khi đọc thuộc lòng bản “Lam Tso Nam Sum” tôi cứ muốn đọc lại và dò thật kỹ từng câu (vì phát âm tiếng Tạng và từ vựng của tôi không tốt lắm) bỗng nhiên trong tâm chợt phát sinh ý nghĩ muốn dịch bản văn này ra Việt ngữ.
Ý nghĩ thật điên rồ! Tôi nghĩ thế. Vì như đã nói khả năng tiếng Tạng của tôi vốn không có gì tự hào cho lắm, hơn nữa bản văn này cũng đã được các vị dịch giả chuyển dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Việt. Nay nếu mạo muội dịch nữa thì khác nào “múa rìu qua mắt thợ” hoặc sẽ làm tổn hại đến uy danh của các bậc dịch giả tiền bối lỗi lạc. Nghiêm trọng hơn nếu dịch không chính xác sẽ làm sai lạc thâm ý của chư Phật và chư Tổ sư, khiến chánh pháp trở nên u tối thì khác nào phạm vào trọng tội đáng sa địa ngục. Tôi rùng mình hoảng sợ!
Sau đó, tôi nhìn lên bức ảnh ngài Tara Xanh (Trol Ma), đôi mắt hiền từ của Ngài như thổi vào hồn tôi sự can đảm và nhìn sang bức ảnh Ngài Tsongkhapa tôi như được tiếp thêm sức mạnh bởi nụ cười của Ngài khiến tôi an lạc vô cùng. Mình sẽ dịch trước là để tăng thêm vốn từ vựng, nếu bản văn không xa lời Phật, ý Tổ thì mình sẽ giữ nó lại làm kỷ niệm và là tài liệu tham khảo sau này. Tôi tự nhủ. Và, tôi đã dịch.
Khởi dịch từ lúc 8h sáng ngày 09/10/2010 đến 11h đêm cùng ngày bản thảo được hoàn tất. Đối với tôi đây là cả một công trình. Vì trong quá trình chuyển dịch trực tiếp từ bản Tạng ngữ sang Việt ngữ không dưới ba lần tôi cầu nguyện các Ngài gia hộ. Đặc biệt khi đến phần Duyên khởi và Tánh không tôi hoàn toàn đuối sức. Khả năng Phật học có hạn, khả năng ngôn ngữ thì quá tệ, lại thêm sở chứng là con số không. Tôi hoàn toàn lạc vào mê hồn trận bởi mỗi câu, mỗi chữ Ngài (Tsongkhapa) viết chứa đựng hàm ý vô cùng thâm sâu vi diệu, hơn nữa người đại trí khi gặp phần này còn phải vạn lần lạy cầu Tổ sư Long thọ (Nagajuna) gia trì, còn tôi… tôi nghĩ mình nên dừng thì hay hơn!
Trong lúc bế tắc, tôi tìm bản Việt dịch “Giải thoát trong lòng bàn tay” đọc cho khuây khỏa chợt nhận thấy phần phụ lục có bản dịch này, tôi mừng như được vàng, mà không, quý hơn vàng mới đúng. Tôi đọc đến phần Duyên khởi và Tánh không bằng tiếng Việt nhưng cũng không thể hội nhập được, đọc lần đầu, lần hai, lần ba… vẫn không thể hiểu. Tôi cầu sự gia hộ của Ngài (Tsongkhapa) và Tổ Long thọ (Nagajuna).
Tạm thời ra ngoài thư giản một lúc, sau khi trở lại tôi dịch tiếp. Mở đầu phần này tôi thấy thoải mái hơn vì phần Duyên khởi không gặp khó khăn nhiều, sau đó vào phần Tánh không, tôi dịch một mạch đến 11h đêm. Vậy là đã xong phần bản thảo, tôi an tâm đi nghỉ.
Sáng hôm sau tôi đọc lại, và tham khảo thêm vài bản Việt dịch khác đối chiếu hầu mong khắc phục lỗi lầm để không rời ý nghĩa sâu rộng của bản văn gốc. Sau khi hoàn tất bản thảo, tôi đọc lại đến khi cảm thấy có thể tạm chấp nhận được (riêng tôi). Niềm vui này tôi đem chia sẽ cho vài Pháp hữu, họ động viên tôi nên đánh máy và gửi cho họ, tôi hoan hỷ!. Sau khi ngồi đánh máy, tôi chợt nghĩ cần phải viết thêm vào đây vài dòng về tiểu sử của Tác giả để phần nào minh chứng giá trị của Tác phẩm. Vậy là viết! Bản dịch này hoàn tất trong sự gia hộ của chư Phật, chư đại Bồ tát, chư lịch đại Tổ sư ở khắp mười phương trong cả ba đời. Xin kính dâng lên các bậc Đạo sư ngưỡng mong gia ân minh chứng.
Vì văn chương thô thiển, ý tứ vụn về sẽ không sao tránh khỏi làm bậc thức giả cười chê, ngưỡng mong niệm tình chỉ giáo. Trong lúc chuyển dịch có phần bất cẩn làm sai chữ, quên câu, sơ tâm làm dơ kinh bẩn sách…tất cả con xin thành tâm sám hối. Nguyện Tam bảo thứ tha, xin chư Tổ sư hoan hỷ.
Nguyện ai có hữu duyên đọc được bản văn này sẽ phát khởi niềm tin, nguyện một lòng nương theo tu tập, ngõ hầu thành tựu Phật quả vì lợi lạc cho tất cả hữu tình. Lại xin cúng dường tác phẩm này lên Tôn sư thượng Chân hạ Tính_người suốt một đời hành Bồ tát đạo, hoằng truyền thánh giáo, cứu khổ quần mê.
Nếu việc dịch tác phẩm này có được chút công đức lành nào, xin thành tâm hướng nguyện về khắp pháp giới chúng sinh đều trọn thành Phật đạo.
India, Sera Mey, Tsawa Khangtsen Ngày 10/10/2010 Tâm Hòa cẩn bút
Đôi dòng về Tác giả và Tác phẩm
Về phần Tác giả có thể tham khảo trong quyển sách viết riêng về tiểu sử của Ngài, ở đây tôi chỉ nói vắng tắt theo trí nhớ của tôi.
Ngài Tsongkhapa (1357-1419) vốn được tôn xưng là:
- Hoán thân của Bồ tát Văn thù (Manjushri).
- Vị đại Tỳ kheo nghiêm trì giới luật cẩn mật và đại hành giả lỗi lạc chân tu thật chứng có trí tuệ quảng đại bác học đa văn.
- Nhà cách mạng tôn giáo vị đại ở Tây tạng.
- Đề xướng việc nghiêm trì giới luật của ba thừa (Tiểu thừa, Bồ tát thừa và Mật thừa) thanh tịnh.
- Cải cách và xiển dương đường hướng tu học Phật pháp bằng cách hợp nhất mọi giáo nghĩa Luật giáo Hiển giáo Mật giáo của tất cả tông phái ở Ấn độ và Tây tạng về nơi biển Phật pháp.
- Vị Tổ sư của Hoàng giáo tức Gelugpa.
- Ngài nhận truyền thừa từ hai vị tổ sư tiên phong là Long thọ (Nagajuna) và Vô trước (Asanga). Mà hơn hết là chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ Ngài Atisa_ bậc Long tượng lỗi lạc ở Ấn độ và là bậc Đạo sư vĩ đại ở Tây tạng. Ngài Atisa sinh tại miền Đông Ấn, bây giờ là Bengal. Là thái tử con vua Danh Đức và hoàng hậu Quang Minh. Thuở nhở đã có nhiều khả năng đặc biệt phi thường. Ngài được học từ các bậc Tôn sư thuộc hai hệ truyền thừa: dòng truyền thừa “sâu” từ Đức Văn thù (Manjushri) xuống Ngài Long thọ (Nagajuna), dòng truyền thừa “rộng” từ Đức Di lặc(Maitreya) xuống Ngài Vô trước (Asanga). Đồng thời Ngài còn thừa kế dòng truyền thừa hệ phái “uy mãnh” của Ngài Tịch thiên (Santideva). Dĩ nhiên các hệ truyền thừa này đều xuất phát từ bậc Chánh đẳng giác_Thích Ca Mâu Ni Phật (Sakyamuni). Ngài đã ở 17 năm tại Tây tạng và trước tác 3 tập có tựa đề “Ngọn đèn soi đường giác ngộ” bản văn nổi tiếng, trình bày khúc chiết về tinh yếu giáo lý của Đức Thế tôn. Ngài Tsongkhapa đã lấy bản văn này làm cương yếu “… Con sẽ lấy “Ba nòng cốt” xem như huyết mạch của con đường và sử dụng những điều Con đã bàn trong “Ngọn đèn soi đường giác ngộ” làm khởi điểm…” (Giải thoát trong lòng bàn tay, tr.29. Ni sư Trí Hải dịch). Như vậy là không quá khi nói Ngài nhận truyền thừa từ Long thọ (Nagajuna) và Vô trước (Asanga).
- Ngài còn được nhiều lần trực tiếp gặp và được Ngài Văn thù (Manjushri) chỉ bảo khuyến tấn “… Đức Văn thù xuất hiện nhiều lần trước mặt Tsongkhapa, hai vị này thiết lập một liên hệ thầy trò. Đức Văn thù đã truyền cho Tsongkhapa vô lượng diệu pháp sâu xa về Kinh giáo lẫn Mật giáo…” (Giải thoát trong lòng bàn tay, tr.29. Ni sư Trí Hải dịch). Qua cuộc đời vĩ đại của Ngài, phần nào cho thấy giáo pháp mà Ngài giảng dạy hoàn toàn vô cấu và có nguồn gốc minh bạch, cao thượng.
Tác phẩm “Lam Tso Nam Sum” là lời khuyên của Ngài dành cho một người có tên là Ngawang Dragpa, tại vùng Tsako. Đây là bản văn cô động, súc tích tóm thâu mọi tinh yếu và chỉ ra trình tự tu tập đưa hành giả đạt đến giải thoát cứu cánh. Sẽ là dư thừa nếu nói nhiều về tác phẩm mà không đi vào nội dung. Vậy trong tư thế an lành, hãy dùng tâm thanh tịnh đón nhận dòng cam lộ bất tử chảy từ lòng từ bi và trí tuệ của bậc Đạo sư vô song qua hình thức bản văn với tựa đề “Ba điểm trọng yếu của đường tu giác ngộ”.
Kính lễ chư Đạo sư Con nay cố giảng giải Ý nghĩa tinh túy của, Tất cả các kinh điển Đức Thế tôn tuyên thuyết.
Con đường được ca tụng Bởi các đấng con Phật Đó chính là lối vào Cho những người may mắn Muốn khát khao giải thoát.
Những ai không còn tham Với dục lạc thế gian Và cố gắng nỗ lực Để thân người thuận lợi Có được đầy ý nghĩa.
Người thiện duyên lắng nghe Nếu không thật từ bỏ Sẽ không thể tịnh trừ Khát muốn quả báo tốt Trong biển khổ luân hồi.
Hữu tình bị trói buộc Vì tham cầu sinh tồn Trong cõi khổ thế gian Vì thế trước tiên là Phải phát tâm buông xả.
Thân người thật khó được Mạng sống không lâu dài Tâm thường nghĩ như vậy Để bỏ qua quyến luyến Tạm bợ ở đời này.
Những khổ não thế gian Không lầm theo nhân quả Hãy quán sát như thế Để bỏ qua quyến luyến Tạm bợ ở đời sau.
Những dục lạc thế gian Hãy nên thường quán chiếu Bằng phương cách như trên Tâm tham muốn chốc lát Sẽ không còn sinh khởi.
Trong tâm ngày và đêm Luôn hướng về giải thoát Nếu làm được như vậy Ở ngay trong lúc ấy Thành tựu tâm Buông xả.
Dù vậy tâm Buông xả Không kèm tâm Bồ đề Nó không trở thành nhân Cho hạnh phúc thanh cao Của Bồ đề tối thượng.
Bồ đề tâm tôn quý Sẽ được phát sinh bởi Tất cả chúng hữu tình Mà những hữu tình ấy Là những bậc Đại trí.
Chúng sinh bị cuốn trôi Bởi bốn dòng nước xiết Bị trói buộc chặt chẽ Bởi sức mạnh nghiệp lực Thúc đẩy mãi không dừng.
Bọ tóm gọn vào trong Lưới sắt của chấp Ngã Lại bị bao phủ bởi Bóng tối tăm dày đặc Của ngu ám Vô minh
Hữu tình mãi trôi lăn Sinh rồi lại tái sinh Trong thế gian vô hạn Chịu hành hạ tra tấn Liên tục bởi Ba khổ (2)
Tình trạng này cũng như Cảm giác đang sợ hãi Của những bà Mẹ ta Hãy nhớ nghĩ như vậy Để phát tâm Bồ đề.
Nếu không có Trí tuệ Để nhận biết các pháp Dù có Thiền định về Sự từ bỏ thuần tịnh Hay tâm Bồ đề kia
Cũng không thể cắt bỏ Tận gốc rể luân hồi Vì thế nên nổ lực Bằng các pháp phương tiện Để chứng lý Duyên sinh.
Ai nhận thấy được rằng Nhân quả của tất cả Các pháp tại thế gian (Sinh tử) Các pháp xuất thế gian (Niết bàn) Đều không chút sai lầm.
Và đó là mục tiêu Để tin tưởng tuyệt đối Cho tất cả mọi người Đang đi trên con đường Khiến chư Phật hoan hỷ.
Các tướng pháp Duyên sinh Không có sự giả dối Vậy mà có những người Lại hiểu Tánh không là Vắng mặt các tướng ấy.
Khi nào còn cảm nhận Tánh không và Duyên sinh Là riêng biệt với nhau Ngay khi đó người ấy Chưa hiểu ý Như lai.
Thật ra pháp Duyên sinh Và Tánh không cả hai Chúng luôn cùng đồng hành Mà không phải xen kẻ Hay thay thế cho nhau.
Người thấy pháp Duyên sinh Là không phải hư dối Từ nhận thức đó mà Triệt tiêu mọi quan điểm Chấp thủ vào sự vật.
Ngay khi đó người ấy Đã vẹn toàn Chánh kiến Hơn nữa lại bỏ được Cực đoan về Chấp Có Nhờ vào sự Minh hiển (3).
Và sẽ loại bỏ được Một cách thật rốt ráo Những quan điểm cực đoan Chấp Không về mọi thứ Nhờ nương vào Tánh không (4).
Nếu hiểu rõ được rằng Từ ngay ở Tánh không Mà thấy được Nhân quả Thì không ảnh hưởng bởi Hai quan điểm Cực đoan (5).
Khi đã thực sự hiểu Đúng đắn về ý nghĩa Cốt lõi của những điều Nơi Ba điểm trọng yếu Trên đường tu Giác ngộ.
Hãy tìm nơi thanh vắng Độc cư và phát khởi Sức dõng mãnh Tinh tấn Sẽ mau chóng đạt được Những mục tiêu cứu cánh.
(Trên đây là những lời khuyên của vị Tỳ kheo lỗi lạc uyên bác Lozang Dragpa, tức Ngài Tsongkhapa, cho một vị tên là Ngawang Dragpa tại Tsako).
Chú thích: Bản dịch này được dịch từ nguyên bản tiếng Tạng trong quyển “Nghi thức tụng niệm (từ trang 248 đến 250) được xuất bản năm 2010 tại Drepung Loseling Library Society. Ba khổ : khổ khổ, hành khổ và hoại khổ Do thấy các pháp Duyên sinh là Hiện nên không Thường Do thấy các pháp vốn Không (không tự tánh) nên không Đoạn Hai quan điểm cực đoan: chấp thường và chấp đoạn
Tài liệu tham khảo: Bản “Lam Tso Nam Sum” bằng Anh ngữ “The Three Principle of the Path”. Giải thoát trong lòng bàn tay (Tạng ngữ: Lam Rim Rnam Trol Lag Chang) do Đạo sư Phabongkha Rinpoche giảng. Ngài Trijang Rinpoche biên tập. Michael Richards dịch sang Anh ngữ. Cố Ni sư thượng Trí hạ Hải dịch sang Việt ngữ. phần tham khảo từ trang 365 đến 367. The New Tibetan_English Dictionary of Modern Tibetan. Chủ biên : Melvyn C. Goldstein. Tiểu sử Đại sư Tsongkhapa. Dịch giả Thích Hằng Đạt
Tâm Hòa dịch Tạng ngữ: Lam Tso Nam Sum (1) Anh ngữ: The Three Principle of The Path